Kỳ trước, Chương 7: Rồi Tết Lại Đến

Rồi Tết lại đến!

Khi giặc đã gây cảnh nổi trôi và lòng người hãy còn chồng chất hận đau, Tết đến gợi nhắc thêm lắm tiếc thương. Những “tiếc thương lời vắn dài” như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã nhớ về Tết Mậu Thân tang thương, năm 1968.

Có nhiều điều muốn nói. Lời vắn, lời dài chìm lắng vào tĩnh lặng của dòng sông. Sáng nay, Tết theo thời gian lững lờ đến và lẳng lặng đi qua, không lời chúc nhau. Tết xa nhà và còn lênh đênh trên sông nước. Ngoài sông, dòng nước chưa đổi chiều để chảy ra biển, nãy giờ hãy còn nằm lặng yên. Dòng sông theo lòng người còn dùng dằng, nấn ná… Lòng người mong muốn; nhưng chưa muốn xuôi chiều ra biển, chưa muốn xa rời dòng sông quê hương và khi quê hương còn lắm đọa đày…

Người ơi, xin chớ quên!

Đây, Chương 8: Còn Thương Quê Hương Tôi

. . .
- Quý ơi… Quý!

Tiếng chị Thà gọi con vang lên từ xóm nhà gần bờ biển.

Không nghe con mình ơi hỡi, vâng dạ chi cả. Chị để cái sàng tôm khô trở xuống nắp khạp nước, và bước nhanh ra con đường đất nhỏ. Đưa bàn tay lên che nắng, chị đứng nheo mắt nhìn ra biển, nơi ghe đánh cá trong xóm thường chạy về bến. Rồi chị hướng về nhóm trẻ con đang chòm nhom chơi “tạt lon”, cười la ồn ào ở ngoài đầu xóm, mà lớn tiếng gọi thêm lần nữa:

- Quý ơi… Quý!... Ba mầy dìa tới kia kìa!

Trò chơi “Tạt Lon” giản dị lắm; chỉ cần cái lon, chiếc dép và chút ít khoảng trống.

Con Lượm cầm cục phấn khoanh thành vòng tròn nhỏ chừng 2 gang tay, chỗ cho cái lon. Từ chỗ cái lon, nó phóng 5 bước dài, vạch một đường ngang làm mức đứng để tạt lon. Khởi đầu, ai chơi thì đứng từ vị trí đặt cái lon, mà thảy chiếc dép của mình về mức vạch ngang. Chiếc dép của thằng Quý không may nằm xa vạch ngang nhất; thành ra nó bị giao cho nhiệm vụ đứng giữ lon.

Không đứa nào muốn đứng mà giữ cái lon cả!

Nhiệm vụ giữ lon, coi vậy chứ cực và bực bội lắm; coi như là một hình phạt.

Như thế, ngoài thằng Quý phải giữ lon, tất cả đều được tạt lon. Mấy đứa không bị giữ lon thì vui lắm. Chúng nó hớn hở chạy về phía sau vạch ngang, và lần lượt dùng chiếc dép của mình tạt mạnh về hướng cái lon. Dép con Lượm nằm gần vạch ngang nhất, nên nó được phần tạt lon trước. Cứ tạt, phang, liệng, chọi… miễn sao cho chiếc dép của mình trúng cái lon, và làm cho nó bị văng, càng xa càng tốt. Mỗi khi lon bị tạt văng ra ngoài vòng tròn, thì đứa giữ lon phải chạy theo cái lon mà lượm đem về đặt vào trong chỗ của nó ngay. Đồng thời phải lẹ mắt, nhanh chân, và lanh tay mà tìm cách chạm vào người đứa nào lượm được chiếc dép, đang chạy về. Mấy đứa tạt văng chiếc dép rồi, thì phải chạy đi lượm cho được chiếc dép của mình, để trở về sau lằn mức và tiếp tục tạt cái lon. Tụi nó cần phải tạt cho trúng, né cho giỏi và chạy cho nhanh. Hễ bị thằng Quý chạm vào người khi đang cầm chiếc dép, thì phải thế thằng Quý, đứng “giữ lon”. Giữ lon mà không bắt được ai để thế mình, thì phải tiếp tục bị giữ lon và chạy lượm lon. Nhiều lúc cái lon vừa đứng vào chỗ thì đã bị chiếc dép phang trúng, tung ra xa. Cứ thế, ngay sau cái lon bị tạt trúng, lăn lon con lóc cóc, là tiếng chân chạy huỳnh huỵch, là nghe rộ lên tràng reo la, cười đùa, trêu chọc của mấy đứa đã chạy thoát về. Cuộc chơi của trẻ thơ rất hồn nhiên và hào hứng. Tiếng cười la ồn ào, vang inh ỏi cả một góc xóm.

“Tạt lon” không phải chỉ dành cho bọn con trai, mấy đứa con gái cũng tham dự. Tiếng cười la trong trẻo của con gái, hình như vang xa hơn mấy đứa trai. Tôi phải công nhận con Nhí tạt lon rất hay. Hay hơn con Lượm, và hay hơn cả bốn đứa con trai trong nhóm. Nó không chọi như mấy đứa con trai. Bọn con trai, nhún nhún, nhảy nhảy, tung cả người lên và thẳng cánh tay mà chọi thiệt mạnh chiếc dép tới. Thường thì trớt quớt! Chiếc dép bay xẹt qua khỏi cái lon và nằm công kênh tuốt ngoài xa. Bây giờ thì, năm đứa chọi trật, chạy lên đứng lóng nhóng bên chiếc dép của mình. Tụi nó hồi hộp chờ cơ hội nhặt dép mà chạy về từ con Nhí, đứa duy nhất trong nhóm còn chiếc dép trên tay. Bộ dạng con Nhí đã thấp nhỏ, nó còn khom khom cho thấp xuống thêm, tay nó cầm chiếc dép nằm ngang, dí dí đằng trước mắt mình vài cái về hướng cái lon, rồi vung tay mà phang chiếc dép.

Vụt một cái!

Cái lon bị con Nhí tạt trúng, văng ra khỏi vòng. Nó bị chiếc dép phang cho tung lên, rớt xuống, lăn ton ton thêm một đoạn thiệt xa, nghe thật vui tai. Con Nhí lẹ lắm. Thằng Quý đang chạy theo cái lon thì nó đã loắt choắt, phóng cái vèo lên ngay sau chiếc dép, quơ tay một cái là vớt được chiếc dép và chạy về mức xong. Nhờ con Nhí tạt cái lon văng xa, con Lượm cũng kịp thời khòm xuống và chụp được chiếc dép mà chạy cái vèo về mức.

Tôi nghiệp, thằng Quý mới vừa để cái lon xuống, thì “bang” một cái, con Nhí lại phang chiếc dép trúng cái lon. Nó lại phải chạy theo cái lon. Rồi con Lượm lại chọi trúng. Cái lon lại lăn lon ton. Thằng Quý lại chạy lịch phịch lượm lon. Tiếng chân nó bây giờ nghe nặng nề lắm. Nó có vẻ mệt lắm rồi!

Đám con trai lột trần trùi trụi. Thằng Quý đổ mồ hôi, lưng nó ướt đen bóng, mặt quạu đeo, vừa chạy lượm lon vừa quơ hai cánh tay mà hốt đại hốt bừa mấy đứa cầm dép chạy ngang, mà chẳng trúng được ai hết. Đã vậy, thằng Sửu và cả đám con trai thừa cơ hội mà chạy được về mức hết, lại còn nhảy lưng tưng reo hò và làm trò mà chọc thằng Quý.

Lượm cái lon xong, thằng Quý đập mạnh cho lon đứng giữa vòng, và không chịu lấy tay lên. Nó giữ chặt cái lon, mắt lườm con Nhí mà la lên khơi khơi:

- Không cho con gái chơi tạt lon!

Có hai đứa con gái trong nhóm. Nhưng, con Nhí biết thằng Quý nói mình, chứ không phải nói con Lượm. Nó không chịu thua:

- Ơ! … Hồi giờ, có ai cấm con gái chơi tạt lon đâu?

Thằng Quý đứng đạp lên cái lon, hai tay chống nạnh, lên giọng mà nạt bừa:

- Tao cấm đó!

- Dậy chớ… hồi nãy, đứa nào theo năn nỉ con Lượm dới tao dô chơi tạt lon hả?

Thằng Quý bị bắt giữ lon lâu quá nên mệt. Mệt nên đổ quạu. Quạu rồi nói càn. Giờ thì ấm ớ và mắc cỡ lắm. Nó chưa biết trả lời sao thì con Nhí lại đàn áp nó, trề môi, làm mặt xấu mà trêu chọc, và “Xí í í í…” một hơi thật dài. Con Lượm được thế, phụ họa với con Nhí mà “Xí” thêm một cái dài không kém. Dù muốn bênh thằng Quý, đám con trai cũng phải ậm ừ mà nín chịu, vì đúng là thằng Quý có rủ rê con Lượm và con Nhí chơi “Tạt Lon”.

- Quý ơi là Quý!... Tàu dìa!

Tiếng chị Thà gọi con, làm mấy đứa trẻ khác cũng dừng chơi mà lắng nghe. Trong thoáng yên lặng ấy, con Nhí nghe mẹ thằng Quý nói là tàu về tới, bèn kêu lên:

- Tàu dìa!

Nghe con Nhí hô “tàu dìa!”, cả đám khựng lại, cùng ngó ra biển. Rồi bọn trẻ nhảy tưng tưng reo mừng:

- Tàu dìa!... Tàu dìa!... Tàu dìa!...

Đám trẻ ngưng chơi tạt lon, quên mất chuyện cãi vã nhau. Chúng bỏ cái lon đứng chơ vơ trong vòng tròn, cùng ùa chạy ra cầu tàu để đón tàu về. Mấy chiếc tàu đánh cá vào cận bờ, động cơ giảm tốc độ. Tiếng máy nghe phành phạch vang dội một lúc rồi thưa thớt dần.

Trời về chiều, đã tắt nắng.

Nghe tiếng đám trẻ con gọi nhau “tàu dìa!” và kéo nhau chạy ra cầu tàu, chị Thà ngó theo và thấy trong đó có thằng Quý, con của mình. Chị Thà có vẻ vừa ý, không gọi nữa; quay lưng đi vào nhà. Sực nhớ mớ tôm của mình, chị đi ra cửa để lấy sàng tôm khô, phơi nắng trên khạp nước từ hồi sáng, bưng nó đem vào bên trong nhà.

Từ giống Tôm Đất thiên nhiên, đến cách luộc và phơi, đã làm cho tôm khô Cà Mau được ưa chuộng lắm. Con tôm được luộc nước thật sôi một lúc, rồi mới cho muối vào luộc tiếp. Sau đó đem ra phơi nắng, và là nắng mặt trời vùng đất mũi, tận cùng ở cuối phía Nam. Cho nên tôm khô vùng này nổi tiếng thơm và ngon lắm. Thế nhưng, mớ tôm của chị là loại tôm vụn, từ thịt đuôi tôm và tôm đã bị gãy trong giai đoạn đập vỏ. Nhà cầm quyền chê, không thèm “thu mua”. Chị Thà và bà con trong xóm chỉ để dành ăn hay bán lặt vặt mà kiếm thêm chút tiền. Tuy nhỏ, nhưng nhỏ hay lớn gì cũng vậy, giống tôm đất vùng biển, luộc chín và phơi khô bằng nắng miền biển, có màu đỏ au, thịt khô chắc nhưng mềm ngon trong miệng và hương vị thơm ngon rất đặc biệt. Nhiều món ngon miệng, hay nhậu rất bắt mồi, từ tôm khô của vùng này như: cơm cháy tôm khô kho quẹt, tôm khô củ kiệu, gỏi xoài xanh tôm khô, gỏi cóc chua cay… v.v… và v.v…

- Mẹ!...

Có tiếng thằng Quý gọi. Chị quay lại. Thấy thằng Quý đứng tần ngần trước cửa, tay cầm đôi dép của nó, tay xách cái thùng đựng mớ cá vụn. Nó nhìn chị mà ấp úng muốn nói chi đó.

- Gì đó? .... Bỏ thùng cá ngoài sàn nước, rồi đi rửa chưn, mang dép dô, chiều tối rồi!... Ba đâu?

- Còn dưới bến á!

- Mần dì dưới?

- Ba mắc “mần diệc” dới công an…

- Cái dì?!...

Chị Thà miệng hỏi, tay để cái sàng tôm lên bàn, quày quả rời nhà, đi như chạy xuống bến. Chị lo quá, nói mình ên: “Thiệt là khổ hết sức đi!”

Chị không biết chồng mình phạm cái tội gì mà bị công an “mần diệc” đây!

Thằng Quý bỏ đại thùng cá xuống, hai tay cầm hai chiếc dép, lẽo đẽo chạy theo mẹ, nói lấp vấp:

- Nghe nói… ghe nhà con Lượm… nghe nói… Ba nó đi gồi!

Chữ “đi” mà thằng Quý mới nói, bây giờ rất là phổ thông. Nó mới có từ sau khi cộng sản chiếm miền Nam của chị, và nhất là trong vùng ven biển. Chỉ mỗi một chữ “đi” ngắn ngủi ấy, nó kể lại cả một chuyện dài đầy thương tâm; cho dù người ra đi có đến được bến bờ tự do, hay ra đi mà không bao giờ đến. Nó còn báo cho những người còn lại phải khôn hồn mà tránh liên lụy. Kinh nghiệm sống dưới cái chế độ cộng sản này là như vậy. Mấy cái vụ “đi” này không xa lạ gì với chị, và cũng không phải là lần đầu xảy ra trong cái xóm biển này.

Mới sải chân được vài bước, nghe thằng Quý nói vậy, chị Thà khựng lại ngay. Cầm chặt tay thằng Quý, chị quày quả kéo nó quay trở về nhà.

- Thôi!... đi dìa!

- Mình không xuống bến dới Ba à?

- Xuống mần chi!

Chị nói gọn với con, cho xong. Trong bụng chị cũng có lo âu. Nhưng chị biết anh Thà có thừa kinh nghiệm để đối đáp với công an, về các chuyện ghe và ngư phủ trong đoàn đã vượt biển. Đây không phải là lần đầu. Lại thêm, kinh nghiệm thương đau để sống còn trong chế độ luật “rừng” thời nay, đó là: chị đừng dính líu chi cả, nhất là chuyện trốn đi của người khác. Như mọi người dân cô thế, không nghe, không biết, không nói chi cả thì dễ sống sót hơn…
Thằng Quý chẳng hiểu tại sao mẹ nó không còn muốn xuống bến, nhưng nhìn mặt mẹ nó nghiêm trọng quá. Nó không dám cãi lời hay hỏi han chi thêm, ngoan ngoãn đi theo mẹ mình. Rồi như đã nguôi ngoai hơn, nghĩ lại thấy tội nghiệp thằng Quý. Chị buông lơi tay con, vói tay lấy đôi dép mà cầm giùm con mình. Chị dịu giọng:

- Dìa nhà. Mẹ tắm rửa cho con, rồi ăn cơm… Chút Ba dìa!

. . .

Mấy chiếc thuyền đánh cá nhỏ cột ngoài bến, nhấp nhô in mình trên ánh đỏ thẫm của hoàng hôn. Ba người mặc đồng phục công an nối nhau về trạm. Mấy người trong đoàn ghe đánh cá bị công an giữ lại để lấy lời khai, giờ đã được cho về nhà.

Đi ngang ghe tôi, anh Thà dừng chân, đưa cái thùng nhựa trên tay lên:

- Hốt một mớ ăn cơm đi anh!

- Dà, chờ tui chút nghen anh Thà.

Tôi tuột xuống phía sau ghe, lấy cái thau và đi ra mũi ghe đưa cho anh Thà. Anh xúc và đưa lên cho tôi một thau đầy vun mực ống nhỏ, lẫn lộn các thứ cá vụn vặt chưa lựa ra.

- Cám ơn nghen anh Thà.

- Ơn nghĩa dì…

- Anh cho chi nhiều quá dậy?

- Chút đỉnh dậy mà! … Tui còn đây nè, thiếu dì...

Dân đánh cá bây giờ nghèo hơn, sống chật vật hơn. Họ không còn được phép bán cá của mình như hồi còn sống trong chế độ tự do. Bây giờ, hải sản kiếm được, thứ nào đáng giá, bán được tiền thì đã bị Nhà Nước “thu mua”. Chế độ cộng sản làm cuộc sống họ thêm khó khăn, nhưng không thay đổi được bụng dạ chất phát, và tình người chan hòa của dân làng miền Nam.

Tôi nhìn cái thau đầy cá và mực,

- Lựa cá ra kho là đủ ăn cơm rồi đó anh… Chắc là tụi tui phơi nắng một mớ mực, để hôm nào chạy xuống đây, mình lai rai…

- Ừa… tối nay dìa hả?

- Dạ, nhân viên trạm ướp đá tôm rồi xuống hàng xong, thì tụi tui dìa.

- Rồi… có chuyến, xuống đây… mình nhậu!

Anh Thà vui vẻ hứa hẹn, rồi xách cái thùng lên,

- Thôi! Tui dìa… để bả trông.

Tôi không hỏi và anh Thà cũng không nói. Ai cũng biết là không nên hỏi han chi về chuyện trốn đi của anh Bá, lúc này. Nhưng trong anh và tôi, cũng đều cầu mong cho chiếc ghe đánh cá bé nhỏ của ba con Lượm thoát đi bình an, và đến bến bờ tự do. Bây giờ, ai cũng mong có cơ hội chạy thoát như anh Bá. Chúng tôi cũng mong muốn ra khơi từ hơn năm nay rồi. Anh Thà chắc cũng mong mình có cơ hội để vượt biển cùng với chị Thà và thằng Quý lắm. Dân mình bây giờ ai cũng vậy, chỉ muốn vượt biên, vượt biển tìm tự do. Nhưng thoát đi một mình đã khó, mang vợ con xuống ghe để theo cùng thì không phải dễ, càng khó hơn gấp bội phần. Tội nghiệp chị Bá và con Lượm chắc khóc vùi lúc này. Nhưng anh Bá mà thoát đi được, còn sống và đến bến bờ; thì chị Bá và con Lượm còn có cơ hội sang với anh, và được làm người tự do…

Thôi đành… xa nhau từ đây!

Chia ly từ đây!

Con chim hải âu muộn màng, đơn độc chao lượn gọi đàn. Những tia nắng cuối cùng của một ngày loáng thoáng, lấp lánh trên mặt sóng. Bến tàu thưa vắng, không còn tàu thuyền ra khơi hay trở về bến. Thêm vài phút ngắn, mặt trời đã chìm khuất hẳn dưới biển

Ngày tàn!

Đêm đen phủ trùm!

Ngày mai, trời lại sáng trên biển.

Nhưng đêm đen của đe dọa và bạo tàn vẫn còn phủ trùm trên quê hương tôi!

Con thuyền ra khơi nhớ bến cũ và người thân. Trùng dương như khóc như than, xót đau cho chia lìa, xa nhau…

“Xa nhau mãi từ đây, chia ly mãi từ đây
Yêu thương và nhung nhớ dâng tràn đầy” *

Vâng, còn sống; tôi còn nhớ, tôi còn thương quê hương tôi!

Bùi Đức Tính

(KỲ TỚI: CHƯƠNG 9 – NHỚ CẢ TRỜI VIỆT NAM)

* Trích lời nhạc “LƯU ĐÀY”, sáng tác: Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo
 

 

 

 

 


Bùi Đức Tính

Tập Truyện Thuyền Đời

Chương 1 - Dòng sông quê hương - Audio
Chương 2 - Xuân quê hương - Audio
Chương 3 - Con thuyền - Audio
Chương 4 - Cuộc đời - Audio
Chương 5 - Đêm vẫn đen - Audio
Chương 6 - Chuyến đi cuối nămAudio
Chương 7 - Rồi Tết lại đến - Audio
Chương 8 - Còn thương quê hương tôi - Audio
Chương 9 - Nhớ cả trời Việt Nam - Audio
Chương 10 - Một lần đi - Audio
Chương 11 - Từ dòng sông này - Audio


Passage to Freedom  
Đất nước tôi!
Còn nhớ mùa xuân  
Tết  
Hồi Ký Thuyền Đời của nhà văn Bùi Đức Tính  
Dòng sông quê hương - Dòng Cửu Long   
Ngày oan trái! - Audio
Đất nước tôi - Audio
Tiếng trống Mê Linh - Audio
Chuyện cuối năm - Audio
Màu áo cũ - Audio
Mang theo quê hương  Audio
Trong âm thầm còn nhớ ai! - Audio  
Sài Gòn là đây sao em! - Audio
Chuyện trăm năm - Trên quê hương - Audio
Chuyện trăm năm - Một ngày - Audio  
Trăm đắng nghìn cay - Audio
Chiếc áo Bà Ba - Audio
Giữa đồng xưa - Audio
Áo trắng - Audio
Gửi nơi cuối trời - Audio
Còn nhớ mùa xuân - Audio
Từ một chuyến đò - Audio
Dêm thánh vô cùng - Audio
Khi mùa đông về  - Audio
Noel năm nào - Audio
Khúc quân hành - Audio
Cho ngàn sau - Audio
Nghìn trùng xa cách  -  Audio
Rồi lá thay màu - Audio
Con chim biển 3 - Tìm về tổ ấm - Audio
Con chim biển 2 - Trên biển khơi - Audio  
Con chim biển 1 - Tung cánh chim - Audio
Đốt sách ! - Audio
Đi học  
Sài Gòn Audio
Thầy Chín - Audio
Đi buôn - Audio
Khi tôi về - Audio  
Làng tôi - Audio 
Sao em không đến - Audio  
Anh đi!  - Audio  
Vỉa hè đồng khởi Audio
Ngày đại tang  
Chuyện mất chuyện còn  
Con chim Hoàng Yến Audio 
Nhớ cả trời Việt Nam
Còn thương quê hương tôi
Tôi muốn mời em về
Chuyện Tết
Còn nhớ không em?
Trên đồi Tăng Nhơn Phú - Audio
Remember!
Cánh chim non - Audio
Đốt sách
Buổi tựu trường
Đêm trắng
Nước mắt trong cơn mưa   
Trăm đắng nghìn cay  
Con đường tôi về
Hãy còn đó niềm tin
Chiều ra biển  
Bước chân Việt Nam
Người lính già
Để nhớ
Đi buôn  
Ngày anh đi  
Rồi tết lại đến
Bài thánh ca buồn
Tears of pride  
We remember
Mùa hè đỏ lửa  
Có chuyến bay  
Lời ca
Để nhớ để quên
Cờ mình!
Khắc chữ Tự Do
Tết