CON BÚP BÊ CỦA MẸ

(Kính dâng Hiền Mẫu)

Có lẽ đã qúa nửa đêm. Nửa đêm vào những tháng gần cuối năm miền Bắc trời rất lạnh. Tôi được mẹ mặc cho chiếc áo dạ đỏ ra ngoài cái áo cánh màu hoa lý. Sợ tôi vẫn lạnh, mẹ lấy thêm chiếc áo bông mỏng của mẹ mặc cho tôi. Tôi hồn nhiên mặc áo, thích thú đong đưa hai tay áo vương dài gần chấm đất. Bên cạnh gia đình tôi là gia đình Chiến, một đứa bạn cùng xóm và cùng chờ đợi một chuyến bay. Nhìn tôi, Chiến trề môi:

- Ê, mặc áo của mẹ. Xấu hổ. Áo gì mà dài qúa đầu gối và hai cánh tay dài như hai cánh tay ma.

Tôi vốn chậm, khờ và hay mắc cở. Bị Chiến chê, tôi buồn lắm. Tôi lại yêu mẹ và qúy tất cả những gì thuộc về mẹ. Nay nghe Chiến chê áo mẹ có hai cánh tay dài như cánh tay ma, tôi giận và nghĩ thầm: "Con trai gì mà chỉ giỏi ăn hiếp con gái là không ai bằng!" Nghĩ thế, tôi giận Chiến hơn. Vì nhút nhát và không biết cãi lại Chiến nhưng hai mắt tôi đã rưng rưng.

Chị Thùy, chị của Chiến thấy tôi tội nghiệp, giảng hoà:

- Chiến nói đùa đấy. Áo của mẹ đẹp. Vân mặc có sao đâu. Chị không có áo của mẹ mà mặc đó.

Tuy tự ái được vuốt ve nhưng nhìn Chiến cười cười tự mãn, tôi vẫn ức thầm. Tôi biết là Chiến đang khoái chí trong lòng vì đắc thắng. Mẹ Chiến thấy tôi lụng thụng trong chiếc áo bông, bà mỉm cười với mẹ tôi:

- Rét, bà chị nhỉ. Người ta nói trong Nam ấm lắm. Chắc gì mình cần những chiếc áo bông như thế kia. Em chỉ mang theo cho mỗi cháu một chiếc áo len dầy thôi bà ạ.

- Vâng, tôi cũng nghe nói là trong Nam nóng lắm. Nhưng bỏ đi thì tiếc nên tôi cứ đem theo. Đến đó, không dùng thì mình bỏ sau cũng được bà ạ.

Trong khu chờ đợi ở trường bay Gia Lâm, gia đình tôi có bốn người, cha, mẹ, anh Phúc và tôi. Bố tôi đi quanh đâu tôi không biết, mẹ tôi và gia đình Chiến ngồi quây quần vào một khoảng nhỏ trên sàn xi măng. Trong phút chốc, tôi quên khuấy đi nụ cười dễ ghét của Chiến. Tôi ngồi dựa vào một túi hành lý và gà gật ngủ. Mẹ thương tôi, kéo hai ba túi hành lý lại, làm cho tôi một chỗ dựa thoải mái hơn.

Anh Phúc, anh trai tôi, lớn hơn tôi năm tuổi, ngồi thu mình trong chiếc áo dạ màu đen. Anh không ngủ gật như tôi, ngược lại, anh có vẻ thích thú với chuyến di cư lạ lùng vĩ đại này. Qua đôi mắt lim dim buồn ngủ, tôi thấy anh, Chiến và chị Thùy đang nghe anh Nhâm, anh lớn nhất của Chiến, kể chuyện. Chắc lại chuyện ma. Anh Nhâm thích kể chuyện ma và hay nhát ma tôi lắm. Những cái đầu chụm vào nhau cười cười, nói nói mơ hồ mờ đi trước mắt tôi. Thật vô tư, tôi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

***
Phi cơ rời phi trường Gia Lâm lúc nào tôi không biết. Khi mẹ gọi tôi dậy để xuống phi trường Đà Nẵng thì trời đã sáng.

Chiếc xe nhà binh lớn có mui bằng vải ka ki màu xanh ô liu đón chúng tôi đưa về khu nhà thờ gần đó. Tôi không nhớ tên là nhà thờ gì nhưng chỉ nhớ là nhà thờ màu trắng và sân nhà thờ rất rộng. Khu trường học ở trong sân nhà thờ có hai dãy lớp sạch sẽ. Tường xây và lợp ngói. Từ lớp học đến nhà thờ là một khoảng sân đất rộng rãi. Sân trường, có những cây phượng. Giữa sân, một cột cờ cao và bồn hoa nhỏ được trồng chung quanh. Ngày hôm ấy, mỗi gia đình chúng tôi được phát phần cơm bằng bánh mì và thịt hộp. Cứ tám gia đình thì chia nhau một lớp học. Những người đàn ông, con trai khiêng bàn ghế chất dồn lại ở một góc và chia cho mỗi gia đình một khoảng nền xi măng. Nền xi măng lạnh, chúng tôi phải đi tìm những thùng giấy đựng thực phẩm chia nhau làm chiếu trải ra để ngủ. Nhiều gia đình không còn lớp học để chia nên họ ngủ ngay tại hàng hiên.

Gia đình tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống di cư thiếu thốn tiện nghi từ đó. Mẹ tôi phải tìm ba cục gạch kê châu lại với nhau để nấu cho chúng tôi những món ăn dã chiến từ những hộp đồ ăn viện trợ của Mỹ và rau cỏ mua được từ một ngôi chợ nhỏ. Đói, anh em chúng tôi ăn gì cũng thấy ngon. Chỉ riêng cha mẹ tôi, luôn tỏ ra buồn và lo lắng.

Được ít tuần, trường học phải trả lại cho học sinh. Uỷ Ban Di Cư chuyển chúng tôi đến một ngôi chùa. Hình như đó là Chùa Viên Giác ở Hội An. Tôi còn qúa nhỏ để nhớ rõ địa danh. Ngôi chùa to lớn có hai lối ra vào bằng những cánh cổng gỗ nặng và chắc. Sau chùa, là một bãi đất trống, có những cây đa già rễ nằm chằng chịt nổi trên mặt đất. Buổi trưa, bọn trẻ con chúng tôi hay ra sân sau chùa chơi vì nơi ấy có nhiều bóng mát.

Mùa Xuân năm ấy chúng tôi ăn tết tại chùa. Như phần đông trẻ em di cư khác, tôi có một cái tết thật nghèo nhưng khi cầm đồng tiền mới mẹ tôi mừng tuổi, tôi vui. Vui vì có một đồng tiền mới và biết mình vừa lớn thêm một tuổi.

Trưa Mồng Hai tôi ra sân chùa sau chơi, thấy Huệ ôm một con búp bê bằng nhựa cũ nhưng còn rất đẹp. Trong hoàn cảnh di cư thiếu thốn ấy, con búp bê là một ước mơ to lớn của tuổi thơ. Vì thế, bốn năm đứa con gái cỡ tuổi tôi đang xun xoe bên Huệ thèm thuồng nhìn con búp bê và xin ẵm thử.

Tôi ngồi một mình ở một góc sân nhìn hoạt cảnh diễn ra trước mắt. Huệ vẫn âu yếm vuốt ve con búp bê không cho ai đụng đến. Thấy thế, Tâm bèn rủ cả bọn chơi trò chơi bố mẹ và con búp bê là con. Huệ bằng lòng. Thế là cả bọn được thay phiên nhau ẵm con búp bê hiếm hoi qúy giá.

Thấy trò chơi vui và hấp dẫn, tôi mon men lại gần. Sợ tôi xin chơi, mất bớt đi phần ẵm búp bê, Tâm độc địa chặn đầu:

- Đừng cho con Vân chơi Huệ ạ. Hôm qua nó ăn cắp bánh lúc người ta cúng chùa.

Cả bọn quay nhìn tôi rồi có tiếng tàn nhẫn cất lên:

- Ê, cút đi. Không ai chơi với đồ ăn cắp bánh!

Riêng Mai tỏ vẻ tội nghiệp tôi trước sự tấn công của bọn trẻ, bước lại gần tôi hỏi nhỏ:

- Thật hả Vân? Vân ăn cáp bánh cúng chùa hôm qua hả ?

Tôi choáng váng. Mắt tôi hoa lên và có cảm tưởng như trời đất quay cuồng. Vừa tức giận cho kẻ ăn không nói có, vừa hổ thẹn vì lời vu khống hết sức độc địa bất ngờ. Tôi không nói được gì, quay đầu chạy về nơi mình trú ngụ nằm ôm mặt khóc.

Một lúc lâu sau mẹ tôi về, thấy tôi nằm khóc, mẹ vội ngồi xuống cạnh tôi. Tay mẹ vuốt những sợi tóc ướt đầm nước mắt, giọng mẹ ôn tồn:

- Sao con khóc thế, Vân?

Nghe tiếng Mẹ, cảm thấy bàn tay trìu mến vuốt ve của mẹ, tôi tủi thân khóc to hơn. Mẹ ôm tôi vào lòng không nói. Một lúc sau chờ tôi dịu lại, mẹ lại ôn tồn:

- Làm sao con khóc. Anh Phúc bắt nạt con hả. Để mẹ mắng anh cho.

Tôi nức nở từng đoạn một:

- Mẹ...không ... phải...anh ... Phúc....đâu... Tâm con...bà Hạnh...đấy. Nó....bảo con....hôm qua...ăn...ăn cắp bánh....cúng chùa...rồi xúi...nhau... gọi con là đồ... ăn cắp và...và.. xúi không....chơi....với con.... Tại Huệ có con...búp bê nên... Tâm nó...nịnh.

Nói xong, tôi lại khóc. Tôi cảm thấy nỗi oan ức tủi nhục to lớn vô chừng.

Mẹ tôi thông cảm tâm trạng đau khổ vì bị áp bức của tôi. Người yên lặng ôm chặt lấy tôi hơn. Một lúc sau không thấy mẹ nói gì, ngước nhìn lên, tôi thấy mắt mẹ tôi buồn lắm.

Thấy mắt mẹ buồn, tôi thương mẹ, nín khóc, mặc dầu lòng tôi còn buồn tủi.

***
Một buổi sáng tôi thức dậy thì nắng đã lên cao. Nhìn quanh không thấy ai, tôi nghĩ chắc bố tôi đưa anh Phúc đi cắt tóc. Hôm qua tôi nghe mẹ nhắc bố thế. Tôi cũng không thấy mẹ nhưng tôi biết mẹ đã đắp cho tôi một chiếc mền vải mỏng. Tôi uể oải ngồi lên, tay chợt đụng phải cái gì cồm cộm ngay bên cạnh. Tôi dụi mắt nhìn, ô kìa, bên cạnh tôi là một con búp bê bằng vải vừa tầm tay bế. Ngạc nhiên và thích thú tôi cầm lên xem. Ngắm nghía một hồi, tôi nhận ra con búp bê được may rất tỉ mỉ bằng tay và bằng vải mỏng màu ngà. Loại vài mỏng giống như loại vải của chiếc khăn quàng mà khi còn ở nhà, mẹ tôi hay dùng mỗi khi đi thăm bà con hay lễ tết.

Không suy nghĩ và cũng chẳng cần tìm hiểu con búp bê từ đâu tới, tôi sung sướng ôm chặt búp bê vào lòng. Ngắm nghía búp bê, tôi cho nó là một con búp bê con gái vì tôi ước ao có một con búp bê con gái. Búp bê của tôi có cái đầu tròn như quả bóng nhỏ. Nửa phía sau là mái tóc được sơn đen. Nửa trước là khuôn mặt được vẽ một cách tỉ mỉ. Đôi mắt tròn to dưới lằn chân mày cong xinh đẹp. Chiếc mũi chỉ là một lằn vẽ nhẹ nhàng nhưng chiếc miệng là cặp môi hồng tươi xinh xắn. Ôi, tôi thật sự có một con búp bê sao? Nó xinh đẹp quá. Hai tay nó dang ra như đòi bế. Tên nó là gì?...Mà kià, nó không có quần áo. Nhưng không sao. Tôi sẽ nhờ mẹ. Biết đâu vì thương tôi mẹ sẽ chẳng may áo cho búp bê của tôi như mẹ đã từng may áo cho tôi trong những ngày gần tết. Nhưng nó phải có một cái tên. Đúng rồi. Ai cũng phải có một cái tên. Đó mới là điều quan trọng. Tôi phải tìm một cái tên thật đẹp để đặt tên cho búp bê của tôi. Ờ, búp bê tên là gì nhỉ. Dễ mà, tôi biết nhiều tên đẹp lắm. Búp bê là em, tôi là chị. Vậy tên chị là Vân thì em là gì nhỉ. Phải rồi. Là Vi. Là Vi ư ? Tên hay lắm nhưng hình như không được. Ở dãy bên kia chùa đã có chị Vi rồi. Búp bê của tôi đặc biệt. Tôi muốn búp bê của tôi phải có một cái tên đặc biệt, không trùng với ai cơ. Những tên như Hạnh, Hồng, Lan, Hoa, Đào, Mai, Tuyết, Nguyệt... Kim... Cúc...tên nào cũng đẹp nhưng hình như nếu không trùng với những đứa trẻ trong trại di cư này thì lại xem như không đủ đẹp để đặt riêng cho nó. Tôi hơi thất vọng nhìn búp bê thương xót. Ngay lúc đó mẹ tôi về, tôi mừng rỡ đưa búp bê ra khoe mẹ:

- Mẹ xem này, con có một con búp bê.

Mẹ tôi nhìn con búp bê ngạc nhiên:

- Vậy sao? đưa mẹ xem nào.

Mẹ tôi cầm, nhìn sơ con búp bê rồi đưa trả lại tôi:

- Đẹp nhỉ. Mà con có thích không?

Tôi nói như reo:

- Con thích lắm mẹ ạ. Con yêu nó lắm. Nhưng mẹ ơi, nó chưa có tên và chưa có quần áo.
Mẹ cười, thò tay vào túi lấy ra một chiếc áo đầm màu xanh nhỏ xíu đưa cho tôi:

- Con thử mặc cái áo này xem có vừa không.

Tôi cặm cụi mãi mới xỏ được tay búp bê vào áo. Cuối cùng, tôi cũng cài xong hạt nút bấm phía sau lưng rồi cầm búp bê đưa ra trước mặt trầm trồ:

- Mẹ ơi, cái áo đầm vừa quá. Búp bê mặc vào trông xinh đẹp quá. Áo ở đâu mẹ có vậy mẹ ?

Đến bây giờ tôi mới hỏi mẹ tôi rằng ở đâu có áo. Nhưng tôi lại không hề thắc mắc là ở đâu mà tôi lại có con búp bê. Tôi chỉ biết rằng khi nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi đọc được nỗi vui của mẹ qua niềm hạnh phúc của tôi

- Bác Đông có mang theo cái máy may. Mẹ đến nhà bác nhờ bác may cho con đấỵ

Tôi hân hoan nhìn mẹ cười, thay lời cảm ơn.

Chợt nhớ ra một điều quan trọng, tôi hỏi mẹ:

- Nó chưa có tên. Con đặt tên búp bê là gì hở mẹ?

- Con có tên gì, nói mẹ nghe xem rồi mẹ góp ý kiến cho.

Tôi kể ra một lô tên mà tôi nghĩ được. Mẹ tôi im lặng nghe tôi nói. Tên nào tôi nói ra mẹ cũng bảo đẹp nhưng sao tôi vẫn không được hài lòng. Một lúc sau thấy tôi ngồi tư lự, mẹ hỏi:

- Con có biết cái thau rửa mặt nhà mình làm bằng gì không?

- Dạ bằng đồng.

- Người ta gọi nó là gì, con có biết không?

Tôi ngây thơ:

- Dạ con biết. Thau đồng.

- Thế con có biết con búp bê của con làm bằng gì không?

- Dạ bằng vải nhồi bông.

Mẹ cười:

- Đành rằng làm bằng vải nhồi bông. Nhưng vải chỉ là danh từ chung, dùng để chỉ chung các loại vải. Riêng loại vải này đặc biệt, dệt bằng tơ lấy ra từ con tằm nên nó mềm, bóng và đẹp.

Tôi cướp lời:

- À, con biết rồi. Giống cái khăn lụa của mẹ phải không? Vậy con đặt tên búp bê của con là Lụa mẹ nhé.

- Con thấy tên Lụa có đẹp không?

Tôi đáp không do dự:

- Đẹp chứ mẹ. Đẹp như chiếc khăn lụa của mẹ vậy. Lại không trùng với tên ai ở đây cả.

- Phải đấy. Nếu con thấy đẹp thì con đặt tên ấy cho búp bê của con đi.

Sáng hôm đó, một tay tôi ẵm Lụa, một tay tôi xúc từng muỗng cơm nguội cho vào miệng nhai mà lòng tràn đầy hạnh phúc. Vừa ăn, tôi vừa ngắm Lụa. Ăn xong chén cơm nguội với nước mắm, tôi sung sướng ôm chặt Lụa vào lòng, âu yếm hôn lên má Lụa và gọi tên Lụa bằng những tiếng chim vui.

Tối hôm đó, khi tôi ru Lụa ngủ và chia một phần chiếu bên cạnh tôi cho Lụa thì mẹ dịu dàng kể cho tôi nghe truyện Tấm Cám. Câu truyện này mẹ kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu lần nhưng mỗi lần nghe, tôi đều có cảm tưởng như mới được nghe lần đầu, không hiểu vì cốt truyện thần tiên luôn luôn là một hấp lực mới lạ với trí tưởng tượng của tuổi thơ hay vì mẹ tôi kể chuyện hay.

- Ngày xửa ngày xưa - mẹ tôi hay bắt đầu như vậy - có một cô bé xinh đẹp và ngoan ngoãn lắm tên là Tấm. Mẹ Tấm chết sớm, bố Tấm lấy vợ hai...người mẹ ghẻ ác độc.......

Khi mẹ kể đến đoạn ông Bụt hiện lên bảo Tấm đào những hũ đựng xương gà ở bốn chân giường lên, trong hũ hiện ra đủ thứ nữ trang, quần áo đẹp đẽ sang trọng và có cả đôi giày thật đẹp thì tôi chợt thấy rằng sự việc tôi có Lụa cũng nhiệm màu như Tấm có quần áo và giày mới. Tấm vì ngoan ngoãn, hiếu thảo nên Bụt thương. Tôi vì hiền lành nên bà Tiên hay ông Bụt nào đó cũng thương tôi, đem Lụa lại cho tôi trong khi tôi còn đang ngủ. Nghĩ thế, tôi quay sang hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, Tấm ngoan nên Bụt thương Tấm và hoá phép cho Tấm quần áo mới hả mẹ?

- Đúng con ạ. Ngoan ngoãn và hiền lành thì ai cũng thương.

- Mẹ ơi, Thế còn Lụa? Có phải vì con ngoan rồi...ông Bụt đã đem Lụa đến cho con phải không mẹ ?

Mẹ cười:

- Mẹ không biết chắc. Con tìm được Lụa ở đâu?

- Ở ngay trên giường, cạnh chỗ con nằm.

- Thế thì có thể lắm con ạ. Nếu vậy, con nghĩ gì khi con có Lụa?

- Con phải ngoan hơn. Mỗi ngày con phải lấy sách ra tự đọc và viết một trang để cho con được thương hơn phải không mẹ?

Mẹ xoa đầu tôi:

- Đúng rồi. Thế thì con ngoan lắm.

- Lụa sẽ đi định cư với mình, mẹ nhỉ ?

- Ừ, thôi con ngủ đi nhé. Khuya rồi.

Tôi nhìn sang Lụa, cô bé đã ngủ saỵ Tôi cẩn thận đặt Lụa xuống mặt chiếu, lấy một phần chăn của tôi đắp cho Lụa. Tôi đắp thật nhẹ nhàng vì không muốn làm Lụa giật mình thức giấc.

Tôi sung sướng đi vào giấc ngủ với ý nghĩ Lụa đến với tôi từ một bàn tay thần tiên nào đó vì tôi ngoan. Đêm đó, tôi đã mơ một giấc mơ tuyệt đẹp.

Từ đấy tôi không cô đơn vì tôi có Lụa. Lụa với tôi như hình với bóng. Huệ, Mai và Tâm thấy tôi có Lụa thì mon men lại làm lành và rủ tôi chơi em bé. Tôi có thêm bạn và Lụa cũng có bạn. Bạn Lụa là bé Huệ Em, con búp bê của Huệ . Chúng tôi, năm đứa con gái xuýt xoát tuổi nhau, cùng chia nhau chăm sóc Huệ Em và Lụa. Ngày tháng tuổi thơ của chúng tôi trong trại tạm cư chậm chạp đi qua.

Lụa đi với tôi suốt chặng đường di cư từ trại này sang trại khác và cuối cùng, Lụa đã cùng tôi định cư ở miền Nam nắng ấm vào trước mùa Xuân.

Được đi học lại tôi bận rộn hơn nhưng tôi vẫn dành thì giờ săn sóc Lụa, chơi với Lụa và hãnh diện khoe Lụa với những người bạn mới.

Năm tháng trôi qua, tôi có thêm những món đồ chơi mới. Những con búp bê đắt tiền, bằng nhựa mềm, hồng hào mũm mĩm, có tóc và biết nhắm mắt khi nằm xuống. Nhưng với tôi, Lụa vẫn là một "người" thực. Lụa có linh hồn. Lụa biết ngồi ở bàn học chờ tôi đi học về. Biết cười khi tôi vui. Biết giận khi tôi dành nhiều thời gian với những con búp bê mới mà sao lãng Lụa. Biết nghe tôi tâm sự và nhất là Lụa biết chia sẻ với tôi khi tôi gặp những chuyện bực mình. Vì thế, tuy cũ và xấu đi nhưng Lụa vẫn là món quà vô cùng mầu nhiệm của bà Tiên hay ông Bụt nào đó đã đem đến cho tôi.

Cho đến một ngày, tôi được biết Bà tiên và ông Bụt bí ẩn đó chẳng ai khác hơn là mẹ. Nếu ông Bụt trong truyện Tấm Cám hoá phép những mẩu xương cá bống thành quần áo và đôi giày thần kỳ cho cho Tấm thì mẹ tôi cũng hóa phép thần tiên để chiếc khăn quàng của mẹ thành con búp bê đẹp tuyệt vời tên Lụa cho tôi.

***
Đã hơn hai mươi năm tôi làm thân tị nạn ở xứ người, một xứ giàu mạnh nhất nhì thế giới. Ở một quốc gia như thế, mực sống của con người rất cao. Thế giới trẻ em ở đây đúng là một thiên đàng. Những ngày kỷ niệm sinh nhật, những ngày lễ Noel, các em được cha mẹ họ hàng mua cho rất nhiều đồ chơi đắt giá, tối tân và đẹp mắt. Những cửa hàng đồ chơi mỗi năm bán không biết bao nhiêu búp bê mà kể. Riêng tôi, dù các con tôi đã tìm thấy tóc trên đầu tôi có nhiều sợi bạc, nhưng mỗi lần đi phố, tôi đều mê mẩn nhìn vào những con búp bê trưng ở các cửa tiệm. Tôi thấy con búp bê nào cũng đẹp cũng dễ thương, cũng hứa hẹn một trời hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi không thấy được con búp bê nào qúy giá và nhiệm màu như Lụa, con búp bê mà mẹ tôi đã cho tôi.


Ngô Minh Hằng


Mời Qúi vị và các Bạn đọc thơ NMH tại:

http://thongominhhang1.blogspot.com/

 


VĂN CHƯƠNG

2017
2016
2015
2014
2013 
2012

Truyện Ngắn

Hồi ức - Một thời chinh chiến 
No Easy Day - Ngày Vất Vả

Những bài viết của Bất Khuất


Còn nhớ không em?  
Trên đồi Tăng Nhơn Phú
Remember!
Cánh chim non
Đốt sách
Buổi tựu trường  
Đêm trắng  
Nước mắt trong cơn mưa  
Trăm đắng nghìn cay  
Con đường tôi về
Hãy còn đó niềm tin
Chiều ra biển  
Những đứa con đẽ muộn  
Một thời kỷ niệm  
Bãi tập
Bước chân Việt Nam
Người lính già
Để nhớ
Đi buôn  
Ngày anh đi  
Kỷ niệm xưa
Rồi tết lại đến
Bài thánh ca buồn
Tears of pride  
We remember
Vui - Buồn … Ngày hội ngộ 44 năm khoá 8B+C/72  
Mùa hè đỏ lửa  
Dư âm ngày hội ngộ 44 năm tại California  
Có chuyến bay  
Lời ca
Quỳnh Hương diển tích
Để nhớ để quên
Cờ mình!
Khắc chữ Tự Do
Mai cai hạ  
Củ khoai mì
Khinh Binh 344
Tết


Tướng giữ thành
Những tử sĩ không cần ai gọn hồn
Viết về những anh hùng trong tù cải tạo
Tuyển tập tháng Tư đen
Quốc Hận và tội ác CS


I’ll be home for Christmas  
Ký ức về Hoàng Sa và HQ10  
Vợ hiền
Dạy con  
Lễ hội sinh nhật  
Chọn lựa  
BS Đặng Tuấn Long  
Nhạc vàng kho tàng âm nhạc Việt Nam
Bài ca kinh hoà binh  
Môt thoáng ngậm ngùi  
Đường về không xa
Năm mươi hai năm hội ngộ
Người tù chung thân vượt ngục  
Vá đường
Chăn gà  
Một người làm quan  
Tôi xin đưa em đến hết cuộc đời

Thuyền đi đâu, về đâu?  
Chiếc đàn piano màu gụ đỏ
Hữu tâm, vô tâm  
Mẹ cài cho con đóa hồng  
Những mùa Trung Thu  
Thầy Trân  
Tháng Tư nhớ bạn
Trại Thanh Cẩm và giòng sông Mã  
Trái tim Bồ Tát  
Người Hạ Sĩ Nhứt
Lá thư tình trong cặp
Người pháo binh già...
Thức trắng đêm nay!
Mặt trận Xuân Lộc - Sư Đoàn 18 BB - Tuyến thép  
Mừng Phật Đản, chúng con ca vui đón chào  
Làm việc cho Tín Nghĩa Ngân Hàng 1970-1973  
Người chiến sĩ không quân phục  
Tôi cưới vợ 
Buổi họp mặt vui vẻ  
Cõi bụi hồng
Chiều buồn biên giới  
Mùa đi tù!  
Nếu có thể đi về quá khứ, tôi sẽ thăm đất nước tôi  
Người Mẹ thời chiến 
Má tui  
Các phi vụ nhớ đời - 44 năm nhìn lại 
Người nữ tu trong cô nhi viện Pleiku 
Còn thương rau đắng …  
Ngày lễ Mẹ 
Tâm thư người bạn trẻ 9X về ngày 30/4 
Yểm Trợ Hạm Cần Thơ HQ 801: Không bỏ anh em
Mai vàng nở muộn  
Người về có nhớ thương binh?  
Từ những trang thơ 
Tự tử đi anh em! Tao không đầu hàng!  
Chuyện trên QL 20  
Phóng sự cộng đồng hậu duệ VNCH

Mùa xuân xứ người, mùa quốc nạn xứ ta  
Tôi viết cho anh hùng Lý Tống  
Bỗng dưng anh tới  
Để nhớ một thời...  
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến  
Trong nỗi khốn cùng   
Giờ phút cuối cùng
Quảng Trị đất đợi về  
Phụng Dực, trận đánh để đời  
Buổi họp mặt vui vẻ  
Trạm cuối cuộc đời
Nhớ nhà  
Khép lại núi rừng  
Dưới bóng mát của lá cờ "Ba Que"  
Nhức nhối con tim  
Trái tim cao cả  
Hạt tình hồi sinh  
Hai con khỉ già 
Tìm chốn thanh bình
Đêm xuân Đà-Lạt  
Chuyện hai người phi công VNCH và Bắc Việt  
Đại gia ở Mỹ  
Chỉ còn nỗi nhớ  
Tình huynh đệ trong một thời binh lửa
Tàn một cuôc chơi
Sự ra đời của bài hát "Thuyền Viễn Xứ"
Việt cộng: Ngụy, Ác và Hèn Hạ!  
Phi vụ "Ong Chúa" 14-4653 cuối cùng

Một cái Tết khó quên  
Tr/Tá Lê Văn Ngôn trấn thủ Tống Lê Chân như thế nào?  
Võ Ân và tôi  
Người thiếu phụ ôm cốt chồng ...
Cựu DB Lý Quý Chung, một người khách đặc biệt  
Hạnh Phúc… Rơi  
Bông Mồng Gà  
Rồi người lính có về không?  
Tạ ơn Thiên Chúa !  
Tuổi mực tím trong thời ly loạn
Sao mà mít ướt
Những chuyện ngày xưa
Chân dung người lính VNCH
Con chuột
Cuối nẻo đường đời
Ngậm đắng nuốt cay
Những muà xuân năm cũ
Ơn đời chứa chan  
Câu truyện tình trong quân ngũ  
Trong lâu đài kỷ niệm  
Người nữ tù và giải Nobel  
Đùa của tạo hoá  
Tình anh em
Họp mặt “Về Đây Anh” và Cọp Biển
Hy sinh và mờ nhạt
Âm nhạc miền Nam và những ngày xưa thân ái
Mẹ Nấm và các bà mẹ Việt Nam
Không quên những người Chiến Sĩ QLVNCH  
Con còn nợ ba
Cái bằng... lái xế !  
Một Trung đội Trưởng Nghĩa Quân  
Vài kỷ niệm với thầy Nguyễn Văn Trường  
Con búp bê của mẹ 
Sự còn mất của một người em
30 Tháng 4 và tiếng chó sủa đêm phía sau nhà
Ngụy
Tháng Tư ngậm ngùi
Người khôn "Đi học" - thằng ngu dại đời
Giờ phút cuối cùng của một đơn vị QLVNCH tại Sài Gòn
Không quên ngày Quốc Hận 30 tháng 4 – 1975
Cha Tôi, chết không cần quan tài
Cô Giáo Ngụy Người Huế  
30 tháng Tư: chuyện quên, chuyện nhớ  
40 năm (1978-2018) nhớ lại chuyến vưọt biển...  
Huế, tôi và Mậu Thân  
Hương  
1 đồng giấy, 7 đồng phở  
Vui buồn với UH1  
Hình-tượng người LÍNH qua dòng nhạc Việt  
Khoe chữ  
Chiếc áo bà ba In hình chữ Hỷ
Chiện khó tin mà có thiệt....  
Truyện hai hình ảnh một đời người  
Có đêm nào buồn bằng Đêm Ba mươi  
Nén hương lòng cho một người vừa đền xong nợ nước  
Tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông  
Tiếng ngáy làm tôi yên tâm
Đêm xuân nào tôi đến thăm anh  
Quê hương của tôi  
Chim trời bạt gió 
Trang nhà Hà Mỹ Nhan   
Nó và biến thiên cuộc đời

Có những mùa xuân
Chuyện người tóc bạc sớm
Trang nhà Hà Mỹ Nhan   
Các ngày tết ở VN trong năm 
Nói chuyện về con chó nhân năm Mậu Tuất 
Những người lính Dù bị lãng quên 
Gói trọn mảnh tình quê vào đòn bánh tét....  
Người đưa thư  
Danh Tướng Ngô Quang Trưởng và Tôi
Chọn tuổi xông nhà đầu năm