Những Giòng Sông Lịch Sử Ðời Người

Nguyễn Thừa Bình
 
Ðâu khoảng tháng 4 năm 1982, từ Trại Tù Thanh Lâm thuộc tỉnh Thanh Hóa đưa về Trại Tù Z.30C Hàm Tân, chúng tôi hai người bị khóa chung một còng số 8, xe Molotova rồi xe lửa chở qua những vùng đất Bắc nghèo nàn, xơ xác, quê mùa!. Chúng tôi đi qua những con sông lịch sử oái oăm của đất nước : Sông Gianh, Sông Bến Hải mà chạnh lòng không khỏi ngậm ngùi nỗi đau “nồi da xáo thịt”. Không biết bao tang thương để lại dấu vết những giòng sông dẫu có bụi mờ thời gian nhưng rõ ràng đã làm ô uế bánh xe lịch sử đất nước Việt Nam ngàn năm văn vật!. Sông Gianh, thuở xưa làm ranh giới tử địa anh em một nhà giết nhau. Bài thơ “Hận Sông Gianh” thời chúng tôi học sinh Lớp Tư, Lớp Năm của những năm đầu thập niên 1950, không ai không thuộc nguyên bài hay ít ra cũng nhiều câu. “Ðây Sông Gianh, đây biên cương thống khổ! Ðây sa trường, đây nấm mộ trời Nam. Ðây giòng sông, giòng máu Việt còn loang. Ðây cổ mộ xương tàn xưa chất đống. Sông còn đây, hận phân chia nòi giống. Máu còn đây cơn ác mộng tương tàn. Và còn đây, hồn dân Việt thác oan. Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận…”. Tứ bề đất bằng mà sao ngày xưa dậy sóng?. Ruộng lúa, đồng cỏ xanh màu lá mạ tươi mát có phải còn được nuôi bởi xương cốt, máu thịt tiền nhân hiềm thù bằm nát nhau!!! Tưởng một lần Sông Gianh Quảng Bình chia nước ta ra Ðàng Trong, Ðàng Ngoài suốt 45 năm trường giết nhau như hăng máu thù truyền kiếp “một lần mà tởn tới già” là thôi.

Rồi tháng 7 năm 1954, đất nước lại một lần nữa qua phân theo Hiệp Ðịnh Genève. Tại Vĩ tuyến 17, con Sông Bến Hải với cây Cầu Hiền Lương ở Quảng Trị cắt Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hòa trong Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngoài Bắc. “Gần nhà mà xa cửa ngõ”, anh em không nhìn nhau, tàn sát nhau theo máu giang hồ tứ chiếng, đếm xác chết kể công vinh danh. Ngày đó, những con người gia thế, trí thức ngoài Bắc xuôi Nam tìm tự do.

Và ngày sau, 30 tháng 4 năm 1975, đúng 21 năm điêu linh thống khổ, người Bắc một lần nữa vào Nam, không phải “những con người gia thế, trí thức ngoài Bắc xuôi Nam tìm tự do” mà là những con người bần cố nông, trôi sông lạc chợ, đói khát vào Nam đi tìm miếng ăn, cái mặc, hôi của, cướp cạn…Người ta không tìm giải pháp hòa bình thương thảo tình huynh đệ. Người ta nhờ người dưng bản chất dã man giúp tay tiêu diệt người ruột thịt một cha một mẹ với mình. Không biết trong đời mình còn một lần nào nữa trở lại, không phải là tù, nhìn trừng trừng dấu đọa đầy một thuở núi rừng Yên Bái, Lào Cai, Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa của đất Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa giáo điều, làm điêu linh cả một dân tộc, bôi đen cả trang sử oai hùng đất nước! Không biết trong đời mình còn một lần nào nữa trở lại nhìn giòng Sông Gianh cổ độ và Sông Bến Hải rõ ràng chia hai miền Nam trù phú văn minh và miền Bắc âm u nghèo nàn hồi đó!? Thôi thì chờ. Hãy về và khởi đi từng chặng một, từ những con sông thuở nào xưa lắm trĩu lòng thương nhớ cũng có, oán hờn cũng có nhưng không biết oán thù, một thời hun hút đời một người.

Ngày mà tôi nghĩ rằng mình có ý thức thế nào là con sông, là ngày tôi bắt đầu đi học. Hồi đó năm 1951, gia đình tôi ở vùng quê Phú Lâm, ngoại ô Thị xã Phan Thiết. Xóm làng lèo tèo vài căn nhà tranh trải dài trên những đồng ruộng lúa hẹp và xấu dọc theo Quốc lộ I, không trường học, không chợ búa, quạnh quẽ!. Cho nên, đến 9 tuổi tôi mới bắt đầu vào học Lớp Năm với thầy Giáo Một ở bên kia Xóm Vườn Trầu. Thường ngày, tôi phải theo hai ông anh đi quanh co trên bờ ruông dài hơn 3 cây số, đem theo “cơm bới”, gói trong mo cau. Lội qua mấy con suối nhỏ, không can gì. Lội qua con Sông Cái, lúc nào cũng như lúc nấy, anh em chúng tôi phải tuột luốt áo quần ra, trần truồng. Có khi anh Năm, có khi anh Ba cực chẳng đã cõng cái thân nhọng của tôi vượt qua sông. Bực mình, có khi các ảnh thường la: “ôm cứng cổ sao tao thở mậy?”, “kẹp chưn chặc lại, không rớt nghen”, “nhúc nhích tao quăng á”…Có lần, anh Năm giận sao, thả tôi giữa giòng nước chảy. Anh Ba phải chạy tới cứu. Sợ hết hồn!. Bây giờ đã tròm trèm 60 năm rồi còn gì. Anh Năm đã chết năm 1963. Anh Ba may còn khoẻ, có điều già móm méo, con, cháu, chắt đầy đàng. Mình thì sắp chống gậy, quên quên nhớ nhớ!. Có một chiều, ba anh em đang ở giữa giòng sông, bỗng từ đâu có hai con trâu “báng lộn” nhau. Một con rượt trối chết theo sau một con chạy bán mạng đằng trước , băng qua ruộng lúa, qua vườn trầu, qua mương suối…và bang cả xuống sông gần ba anh em chúng tôi. May mà chúng không “càn” nát mấy thằng con người chúng tôi kế bên. Xa xa sau kia, một tốp mấy người vừa lớn vừa nhỏ la to: “lô lô báng lô, lô lô báng lô” như xúi giục tụi nó “đánh nhau đánh nhau”. “Báng” là tiếng quê tôi, ý là đánh lộn nhau, người Bắc gọi là “chọi”. Hồi đó ở đây, chiều chiều hay trưa trưa các anh du kích Việt Minh thường về tuyên truyền. Hôm đó, chúng tôi đang ở truồng chờ nhau qua sông. Bỗng tiếng súng liên thanh, tiếng la toáng lên của lính Tây, tiếng chân chạy huỳnh huỵch sát bên. Ba anh em chúng tôi hoảng hồn, mạnh ai nấy chạy. Thì ra, lính Tây trên Ðồn Ngả Hai đi patrouille rượt bắn cái ông Việt Minh chạy chết cha. Mình thì tòn ten tỏn tẻncái thằng nhỏ làm người thượng cổ, ngồi trốn dưới bờ ruộng lúa, vừa run vừa sợ té đái. Thấy sống cuộc đời cơ cầu: nông thì không dư dả, sáng lính Tây hạch sách, tối Việt Minh eo sèo, Ba tôi nhất định dọn về Thị Xã Phan Thiết ở, sống nghề thợ tiện. Nói là thị xã, nhưng thời đó ở đây, đêm cũng tối om om như nhà quê, heo hút vài căn nhà gạch, nhà tôle và chung quanh là mả mồ nhiều như nghĩa địa. Gia đình tôi cư ngụ trong một thẻo đất bề ngang không hơn hai cây số, giữa Biển Ðức Long và Sông Cà Ty. Sông Cà Ty cũng chính là Sông Mương Mán. Tôi về đây lúc 10 tuổi và rời đây đúng 52 tuổi. Thời gian dài cả 42 năm trường, biết bao kỹ niệm buồn vui, sống chết. Chiều chiều, những thằng trai bé tí tẹo biết ngấm nghé những cô con gái nhỏ chút xíu làm bô nhỏng nhẻo, mắc cở…ra sông tắm, nghịch giỡn, những khi vui thì cười toe toét, những khi giận thì kêu cả ông bà ra mà chửi. Hể vắng con nhỏ mình thích lại buồn. Tắm hoài, rồi cũng có hai đứa dính nhau làm vợ làm chồng mà vẫn “mầy tao”. Mà lạ, hai đứa nầy là hai đứa dữ nhất trong hai nhóm con trai, con gái. Mỗi khi chửi lộn, thậm chí đánh lộn, hai đứa là đại diện, ra “oánh” nhau. Ở vào nơi vừa có biển lại vừa có sông kế bên nhà, ba má tôi thường bảo “coi chừng Ma Da”., “năm nay chưa thế”…”Ma Da” là thần sông, nhận chìm nguời xuống nước cho chết đuối. “Thế” là bị Ma Da bắt. “Chưa thế” là chưa bị Ma Da bắt, tức là chưa có ai bị chết đuối. Má tôi thường vòng vo dị đoan như vậy. Tôi cũng tin lắm, cũng sợ lắm. nhưng tắm vẫn tắm. Không tắm làm sao được. Tụi nó rủ rê quá mà. Một buổi trưa năm 1953, thời học Lớp Tư với Thầy Thính trong Vạn Khánh Long, tôi theo tụi nó ra khúc sông“Mả Lỡ” tắm. Lội làm sao ra vùng nước sâu, hụt cẳng, chới với…uống nước từng ngụm, từng ngụm, ngất ngư. Tôi cũng thấy được một bọn bất tài đứng la ơi ới, chạy la ơi ới…”chết đuối, chết đuối”. Anh bạn Bé lội giỏi, can đảm “plonger” xuống kéo tôi vô, không thì Ma Da ăn thịt tôi rồi. Khu Mả Lỡ nầy gồm những mả vôi, những mả đá ong xưa thật là xưa mà lớn thì cũng thật là lớn của người Hời. Con sông lớn thêm nhiều quá mà nước lại chảy bên lỡ, bên bồi làm sao đã trút mả ông, mả bà, mả con mả cái…xuống nước hết trơn!.. Ở đây vào cái thời buổi đó tôi cứ nhớ hoài. chết còn mang theo. Từ nam thanh nữ tú, lão ông lão bà, con nít con nôi…đau bụng cứ chạy ào ra sông, tuột quần ngồi xuống mà “ịn” của quý ra bên bờ. Có ai cười ai đâu!? Chúng tôi có khi còn leo lên cây bần, cây mắm mà phèn phẹt xuống nữa. Cũng có ai chửi ai đâu!?. Có điều, trưa trưa,chiều chiều chúng tôi thường phải tắm trên giòng sông lềnh bềnh những “của nợ” của ai đó. Cũng ghê thiệt!. Biết làm sao!? Tết Mậu Thân 1968, được phép từ Quảng Ngãi về, tưởng sẽ hưởng được một cái Tết ấm cúng với gia đình sau mấy lần “xuân nầy con không về”. Ai ngờ Việt Cộng vô thần thiệt, đem quân đánh vào Thị Xã Phan Thiết đang Tết. Máy bay trực thăng chiến đấu vần vũ trên nóc nhà tôi suốt một đêm, bay qua bên kia sông, chúi đầu xuống, xả đạn rào rào…Không biết có “chết thằng Tây đen” nào không? Nhớ hồi 1954, 1955, cứ chiều chiều được người lớn cõng qua bên đó gọi là Văn Thánh coi đá banh mà cũng đá với mấy thằng nhóc nhà quê ở bển hay Lò Heo xuống. Có lần đội “ốc tiêu” Ngôi Sao Sáng của chúng tôi với mấy thằng Thường, thằng Bính, thằng Sanh, thằng Ðức…thua tụi thằng Trúc, thằng Tùng 7 trái không gỡ. Ðứa nào cũng khóc, nhưng mít ướt lớn nhất và dai nhất vẫn là Ung Văn Ðức. Làm sao mà quên được trận lụt Nhâm Thìn năm 1952. Nước biển và nước sông còn chút nữa “tao ngộ chiến” mà “xáp lá cà”, nuốt đi thẻo đất nhỏ chút xíu khu xóm tôi. Ðứng nhìn những mái nhà tranh đang trôi nhấp nhô, có người ngồi bên trên ngoắc tay cầu cứu. Không biết làm sao!? Thảm lắm! Người ta khóc thật nhiều. Tôi cũng khóc thật nhiều. Chắc chắn họ chết ngoài biển Ðông rồi. Rồi những năm giữa thập niên 1950, tôi vào Trung Học Công Lập Phan Bội Châu. Ở tỉnh mà đậu vào Ðệ Thất của một trường trung học công lập duy nhất, không dễ chút nào. Từ đó về sau, tôi ít sa đà với Khúc Sông Cà Ty nữa mà, gần gụi với khúc sông phía dưới hạ nguồn chảy ra biển, người ta thường gọi là Sông Mường Mán mà Ðoàn Thanh viết lời ca ngợi qua một bài hát, sau đó Trần Thiện Thanh hát, tôi có đi nghe trong kỳ thi “tuyển lựa ca sĩ” đầu tiên của Phan Thiết tại vườn bông, đâu khoảng 1955 (?): “trên Mường Giang nắng đẹp một chiều nào thuyền ai lướt trôi. Lắng không gian theo nhịp chèo êm êm nhạc khúc yêu đời. Vui lại đây trời nước xanh xanh tình vương thắm lá. Lòng bể khơi ngàn tiếng tơ hòa…”. Cũng giải đó, năm sau, anh Nguyễn Văn Hai ở Ðức Long, con bác Mạo Cảnh Sát trong Thiên Tiên Thánh Giáo gần nhà tôi, giọng Huế, ảnh hát bài Trăng Về Thôn Dã của Hoài An hay thiệt là hay và ngâm cũng thiệt là quá đả “Ta ngước xem Ông Sao Thần Nông bên Sông Ngân Hà vắng, bóng Ngưu Lang trầm ngâm nhớ nàng. Em có nghe chăng dư âm đồng quê, khi trăng ngàn về tỏa chiếu trên đê. Ðoàn người nông phu vui gánh lúa về. Bóng trai gái làng hẹn hò nhau ước thề...” chiếm giải nhất, được thưởng một cây đờn Guitar. Hồi đó có cây đờn Guitar là ngon lắm. Tôi chẳng đờn địch ra gì, có cây Mandolin nhỏ chút xíu cũng “dzợt le” được nữa là. Con sông mà tôi bên hữu ngạn phải lên Cầu Quan qua bên tả ngạn đi học hằng ngày. Con sông chia thành phố ra làm hai khu rõ rệt: một bên hành chánh và một bên thương mại. Một chiều nào ráng đỏ chân trời Thương Chánh, tà áo trắng bay bay của hai hàng nữ sinh qua, lại trên cầu, phản chiếu bên dưới giòng sông xanh, lớp lớp làn sóng nhỏ lững lờ chảy, đằng kia trên cao, những cây vông đỏ rực ôm chặc tháp nước cổ kính…, Người Phan Thiết lẻ tự nhiên yêu mến con sông Mường Mán vô cùng!. Vào một tối hóng gió trên cầu, bỗng thằng bạn “Cà Nhỏng” của tôi dừng lại, nhìn xuống giòng sông, nước đang sóng dữ, cuồn cuộn chảy. Nhìn xa xăm ngoài kia biển động, nó nói rất nhỏ giọng xúc động và hình như đang chảy nước mắt, rằng: “Con Thủy Tiên đã chết rồi. Nó đứng ngay đây nầy và nhảy xuống sông tự tử”. Tôi giật mình! Thủy Tiên, cô thợ may trẻ, đẹp,“bồ” của nó. Không biết giận hờn, ghen tuông, thất tình làm sao mà cô ta dám từ trên thành cầu cao, bán mạng “plonger” xuống. Từ Sài Gòn về, trời trăng chẳng biết mô tê, tôi cũng không hỏi nó làm sao xẩy ra cớ sự!? Có điều tôi biết chắc, có hỏi ngọn ngành cũng chỉ làm nên nỗi ân hận, vướng mắc tội lỗi và ưu tư mặc cảm của nó mà thôi. Có ở thành phố nhỏ nhoi nầy lâu, mới thấy cái dễ thương con sông nầy có một cây cầu sắt đen từ đời xưa, nằm trên hai bờ dốc cao thật là cao “lên ưỡn ngực xuống cuối đầu”, mấy bác xích lô, mấy bác xe kéo lên phải đẩy, xuống phải ghì. Dù hai bên trái, bên phải của nó còn có một cây cầu đúc và một cây cầu gổ khác, theo nhà tướng số Huỳnh Liên khi lập am tu ở Mũi Né, tiên tri rằng: “chừng nào Phan Thiết có 3 cầu, thì dân Phan Thiết phát giàu, phát sang”. Không thấy giàu, không thấy sang, thấy Việt Cộng vào cướp của, nghèo đói chết cha!. Cầu Quan vẫn là cây cầu huyền thoại, tình cảm và kỹ niệm nhất của thị dân Phan Thiết, nhất là những cô, những cậu học trò. Ai bảo, những nữ sinh, những nam sinh các Trường Trung Học Phan Bội Châu, Tiến Ðức, Bồ Ðề, Bạch Vân, Ngô Ðình Khôi…không rụt rè một lần nắm tay nhau qua cầu? Ôi kỹ niệm! Kỹ niệm thời chinh chiến, em ở lại đây hậu phương, anh ra đi nơi xa tiền tuyến…cho tình đầu mất hút ngoài kia biển rộng! Ngồi trên vòng thành vườn bông, nhìn xa xa giòng sông mờ mờ khói sóng, nhập nhòa ánh điện đêm, làm sao mà quên được, mấy thằng chia nhau một điếu thuốc, nghe Thanh Thúy trầm trầm ca giọng liêu trai, mơ hồ, xa vắng…”Hoàng hôn, lá reo bên thềm. Hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh. Bâng khuâng phím loan vương tình…” hay “…Thuyền ơi!, đưa ta tới đâu? Tìm trăng, trăng khuất đã lâu. Sương xuống trên bến cô liêu, thêm sầu. Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài, Có ai nhớ ai nơi giang đầu…”, chỉ có nước chết lặng mà thôi. Thanh Thúy nhỏ hơn tôi vài tuổi nhưng nổi tiếng khi tôi vẫn ù lì trên ghế nhà trường. Cổ có một thời học ở Trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết trên đồi, sát bên giòng Sông Mường Mán. Thời đó những năm 1960, ai ai chúng tôi những nam sinh, những nữ sinh không “mê” cái giọng nhừa nhựa trầm buồn muôn thuở Thanh Thúy ca? Bây giờ dẫu có muốn quên đi, cũng không bao giờ quên được. Ðến nỗi năm 1985, “nhạc vàng” là của “Ngụy” cấm phổ biến trong cái xã hội gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, tôi cũng lén lút “sang” mà chùng lén nghe cho đả. Những năm vào Sài Gòn học Chu Văn An ở Chợ Lớn, rồi Văn Khoa, Luật Khoa và giong ruổi tháng ngày với cô gái Bắc Kỳ ở Ấp Ðông Ba, Chi Lăng Gia Ðịnh, học Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt. Cái tên của cô ta cũng lạ, cũng buồn cười, “Luyện Loan”. Em giận thiệt, khi tôi chọc quê, gọi đùa tên là “Liệng Lon”. Luyện Loan là một hoa khôi, đẹp thiệt là đẹp lại hát hay vô cùng của Trường Lê Văn Duyệt. Người ta nói như vậy. Tôi ở bên nay Xóm Chùa, sau Rạp Ciné Văn Hoa, bên trong Trường Văn Hiến, đang Năm Dự Bị Văn Khoa. Hai đứa từng đạp xe đạp mà cứ nắm tay nhau qua lại Cầu Bông, tà tà không thấy mệt chút nào xuống tận Bạch Ðằng ăn “bò bía”, uống ly chanh muối. Hai đứa ngồi sát bên nhau, nhìn giòng sông nước chảy lờ đờ mà chẳng bao giờ ai dám nói với ai lời yêu đương. Tôi chờ em nói “em yêu anh” là ôm cứng cổ ngay vào lòng. Và cũng thầm nghĩ, nếu tôi nói y như vậy, chắc cổ sẽ say tình sà vào người tôi ngay. Nhưng “không”. Mười lần y chục, cô nàng bắt giọng, anh chàng a dua: “Hẹn chiều nay mà sao không thấy em. Gió hiu hiu lòng bỗng nghe lạnh thêm. Chiều mù sương hay mù khói thuốc anh? Em không lại anh nhủ lòng sao đây? Em cứ hẹn chiều mai rồi lại không thấy em. Áo ai xanh hờ hững đi vào đêm. Ðợi một giây nghe bằng thế kỹ sầu. em mới yêu lần đầu, anh đã yêu lần sau…”. Tôi nghĩ không ra, tại sao Luyện Loan không bửa nào quên hát bài hát nầy?. Tôi định hỏi, chưa chi nàng đã im thin thít đi lấy chồng biền biệt tăm hơi, không có chút xíu lời từ biệt. Buồn! Mình vẫn tới đây một mình, tìm người ăn “bò bía”, uống ly chanh muối hồi nào. Thẩn thờ, anh chàng thất tình hát một mình“…Em có hay trời buồn, trời chuyển mưa đó không? Biết yêu em là biết nghe chờ mong. Chuyện tình yêu muôn đời kiếp đến nay. Nàng cứ quên hẹn hoài, chàng cứ mong chờ ai…”. Nàng ở đâu đâu với ai đã gần 50 năm rồi có nghe hơi hám gì đâu!?. Còn đây, tấm lòng nhớ khôn nguôi trông chờ. Con sông Sài Gòn vẫn trôi lững thững ngàn năm mây bay. Người đưa đò ngang vẫn tròng trành chiếc ghe nhỏ, hớp rượu đế, ca vọng cổ, nổ máy về Thủ Thiêm bên kia sông.!. Trong đời mình, thật tình biết bao con sông lớn nhỏ Bắc, Trung, Nam đã đi qua, đã sống với…nhưng đâu nhất thiết là những con sông đan đầy kỹ niệm. Sông Trà Khúc bên kia “Thiên Ấn Niêm Hà”, mỗi mùa nước cạn, anh em nhà binh đem xe lớn, xe nhỏ xuống mà rửa; Mùa nước lớn, nhà nông sợ lũ, đứng bên nay bờ nhìn sang bên kia bờ xa tắp mà lo. Và chúng tôi, một bọn tập ăn nhậu với nhau thì, qua bên đó Sơn Tịnh chỉ để lai rai bê thui, chim mía, được “dzui dzẻ” lúc nào hay lúc nấy thời binh lửa sống đó, chết đó mà thôi. Kỹ niệm gì đâu? Mà có đi ngược vô Nam, vào “Thiên Bút Phê Vân”, qua ngôi nhà cổ “Ông Nghè” Tộ ( ? ) của thân phụ cô Loan, cô Tuyết xa xa trong xóm rồi ghé Sông Vệ ăn “Mì Cô Hoa” thì cũng “để cho biết” vậy thôi, dẫu rằng, có dính dáng mối tình lảng mạn với cô nữ sinh Nữ Trung Học Quảng Ngãi ở đó. Cổ thường hát bài “Diễm Xưa” của Trịnh Công Sơn vào thời rất thịnh hành khắp các trường Trung Học Trần Quốc Tuấn, Bồ Ðề, Chấn Hưng…trong Thị Xã Cẩm Thành. Nhà Cụ có hòn núi nho nhỏ ở đằng sau cũng dễ thương. Những ngày Chủ Nhật hay Ngày Lễ, nhiều cuộc hẹn hò của các cô cậu học sinh ngoài tỉnh thường đàn đúm vào tham dự những cuộc vui picnic. Có gì, Sông Vệ cũng chỉ là ký ức hơn là kỹ niệm, dù không có ai dám nói rằng, hai nơi đó không đẹp bằng những nơi nầy, nơi nọ? Cuối tháng 12 năm 1970, tôi phải vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung học Khóa 6/70 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Một lần “Vượt Sông” qua con sông nhỏ ở Hốc Môn, tôi không nhớ tên, mà cũng có thể nó không có tên gì hết. Con sông lớn hơn con suối một chút, cái gì cũng thua người ta nhưng, chắc chắn nó ăn người ta cái dơ nhất. Giòng sông đen thủi đen thui, nước gần như quến bùn sền sệt, lười biếng chảy lừ đừ…có lẻ từ những chất thải công nghiệp xì dầu, bột ngọt xung quanh đỏ túa ra. Cái Poncho liner cuộn chặc mấy đồ quân dụng. Mình trần trùi trụi, “aller hấp” tất cả lần lượt thực tập Bài Vượt Sông. Có anh, “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, sẳn sàng lội. Có anh ngấn ngừ, dò dẫm…đi. Có anh không biết bằng cách nào mà “chẩu” suông sẻ. Có anh lừng lững chạy băng qua cầu gỗ nằm cao phía bên phải mà “lặn”. Nhìn mình, nhìn người bổng nhiên thành những anh chàng “Ma Rốc Cốc Ken” mà cười bể bụng mà cũng buồn thúi ruột. Ðằng kia, đằng kĩa, đằng kìa, mấy anh ma lanh “trốn chạy” đã bị tóm cổ, bị “bơm”, bị “thụt dầu”, bị “trùm poncho”, bị “nhảy xổm” rồi cũng bị bắt phải “úm bà là” nhảy xuống. Tất cả rồi cũng như những “cột nhà cháy”, khác gì mấy ông Lính Lê Dương thời Pháp thuộc đi ruồng bố dân quê Việt Nam ngày xưa. “Chạy trời không khỏi nắng” mà. Hỏi ai một lần “vượt sông” nầy ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung mà quên đi được? Nhớ suốt đời. Chứ đâu “Vượt Sông” của Trường Bộ Binh Thủ Ðức qua Sông Rạch Chiếc gần Nhà máy Xi Măng Hà Tiên, nước trong văn vắt. Nhằm mùa Hè thì muốn qua muốn lại nhiều lần đừng nói đến trốn, lặn mà bị phạt lên phạt xuống. Có gì mà nhớ, để nhớ? Kỹ niệm, có kỹ niệm buồn rất là buồn mà cũng có kỹ niệm vui thiệt là vui. Nhưng buồn thì thấm thía, ray rứt, khó quên hơn hết. Ai đã bị tù Việt Cộng gọi là “học tập cải tạo” đã qua mấy chục năm rồi, quên được đâu!? Thù thì chẳng thèm thù. Giân, hỏi ai không giận sôi gan thứ Cộng Sản “khôn nhà dại chợ”, hại dân, bán nước? Cuối năm 1971, tôi lên phục vụ trong một tỉnh đèo heo hút gió “nhà không số, phố không đèn” mưa lầy, nắng bụi Quảng Ðức. Ở đây, thị xã còn nhỏ hơn vòng đai chiến đấu, trọn lõn trong một cái chợ bé tí teo như chợ chiều của một làng quê hẻo lánh mà khu phố là hai dãy nhà, buôn bán qua loa với người Thượng và một nhúm người kinh. Thị Xã Gia Nghĩa, tôi đến đây vào một chiều Gió Bấc mịt mù bụi đỏ khu phố. Chiếc xe phủ dầy lớp đất màu bazan đậu đó chờ tôi ở phi trường Gia nghĩa với anh lính tài xế phong trần chán đời gió bụi, dọc ngang. Ảnh chở tôi dạo một vòng quanh co trái rồi phải, xuống đèo con suối Dak Nông, rồi lên dốc Ðồi Thông, thẳng lên Tiểu Khu, quẹo qua Tòa Hành Chánh Tỉnh, kế bên là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia và đường vào Quận Khiêm Ðức, Ðại Ðội Hành Chánh Tiếp Vận trên đồi cao cao kia kìa… mới thấy, nghèo xơ nghèo xác một Thị Xã Cao Nguyên Biên Giới. Hoặc là Việt Cộng chê hoặc là luật bù trù, thị xã nhỏ nhít nầy mấy khi ai thấy bóng dáng mấy đứa con, mấy đứa cháu phá làng phá xóm của ông Hồ. Có vậy, chúng tôi sống cũng đỡ chiến tranh. Cho đến, không biết trí nhớ có còn đúng không, chắc đúng: 1giờ chiều của ngày 23 tháng 3 năm 1975, các ngài của Tiểu Khu, của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh,… dàn xếp dzọt, tìm đường chạy trốn gọi là “di tản” cho xôm tụ cái tiếng KBC, khi mà chưa có bản mặt một tên “bộ đội” hay một méng du kích nào của cái gọi là “Quân Giải Phóng” lén lút vào. Bây giờ viết hồi ký, có người không biết tự cao tự đại làm sao mà hảnh diện được, dám tự vỗ ngực xưng tên, tiếm quyền, giành công chỉ huy cuộc đào ngũ “hỗn quan hỗn quân”, bỗng mình khen mình tài quá?. Chưa nói, có ông cái lon lớn thiệt là lớn, cái chức cũng lớn thiệt là lớn của Tỉnh, của Tiểu Khu, tôi xin kín miệng ở đây, “lặn” từ khuya về Bảo Lộc ngủ đêm, ngủ ngày ở bển rồi. Lúc yên, ổng lúc nào cũng nón sắt, súng đạn, bidon nước…, một ông lính truyền tin kè kè đi bên và chiếc trực thăng phành phạch chờ, kiểu ta đây anh hùng. Lâm sự, bắt chước con thỏ đế “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, trốn chui trốn nhủi kiểu dế mèn. Người dân tìm ổng hỏi thăm. Người lính tìm ổng hỏi thăm. Bây giờ ở đây nè, nhiều người quanh tôi cũng đang tìm ổng hỏi thăm. Viết đến đây, mới thương người lính có biết gì đâu, quyết ở lại tử chiến; Mới thương đồng bào sống thì sống với, chạy thì chạy theo lính Quốc Gia. Hồi đó, ai ai ở trong cái Thị Xã nhỏ hết sức nhỏ nầy, dẫu vài ngày, vài tháng, vài năm hay lâu hơn nữa thì cũng nhớ y như nhau rằng nó quê mùa quá sức nhưng dễ thương cũng quá sức. Cây cầu Dak Nông trũng xuống dẫn người ta ra giòng nước trong vắt thật lạnh mùa Ðông ủng sương hoàng hôn mà thật mát mùa Hè rợp bóng cây rừng hoang dã. Những cô gái Thượng quây lại lưng trần đẫy đà che đôi vú căng tròn nhựa sống phía bên kia, tắm cho mình và tắm cho đứa con trần truồng bé tẻo teo. Mấy đứa nhỏ có khi chỉ vài tháng tuổi hay lớn hơn chỉ trong một tuổi, trời bắt nó sống làm người Thượng…nên đứa nào đứa nấy, trai cũng như gái, lạnh tím người, teo tít còn chút xíu lại mà vẫn nhăn răng sống trong cái buốt lạnh ngày Ðông tháng giá rừng thiêng nước độc. Có lẻ, đứa nào chết thì chết cho rồi; Ðứa nào sống thì khoẻ mạnh lắm. Những chàng trai miền xuôi tha hương đang say sưa đứng “ngoạn” cảnh hay đang mê mang nhìn người, sao đờ đẫn quá!. Có ai dám đụng tới nước, nói gì tắm với rửa. Có những chiều, trời Hạ mát mẻ, nhiều cô Thượng rất trẻ, thật duyên dáng, đa số là gái M’nông, K’ho, Mạ… mặc chỉ chiếc “sarong” thùng thình phía dưới, bên trên trơ trơ bộ nhủ hoa non nớt, trinh nguyên…đùa giởn “vô tư như người Sài Gòn”. Bắt gặp những cặp mắt soi mói “hổ rình mồi” của các chàng Kinh đa tình, các cô biết thẹn thùng, hai tay che ngực lại, cười rúc rich, hè nhau chạy như trốn bắt. Người ta thường nói “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Ở đây, cái thị xã cỏn con nầy, trai duyên hải, trai đồng bằng bốn Vùng Chiến Thuật,“bị đầy” lên đây, đã đổi lại “nhứt trai Kinh, nhì gái Thượng, thứ ba cái gì thì cái”. Bởi các cô cũng ỡm ờ giả trò cút bắt. Các cô kín mà hở, dấu như rủ các anh chàng thường là trẻ, độc thân, tò mò…làm những anh hùng sa cơ phải chịu lệnh phạt, có khi lại vào vùng đầm lầy Ðức Xuyên…ngâm câu “Ða tình tự cổ không dư hận. Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ”. Tôi ở với vợ và ba con nhỏ ở đây chỉ khoảng ba năm rưỡi. Vợ không thích “dòm”. Con thích xe chạy. Chúng tôi ít có dịp ngồi trên bờ Dak Nông nhìn thiên hạ. Nhưng sao đi nữa, dẫu có đi Nghĩa Ðức, Nghĩa Thành, ra Nghĩa Bình, vô Hồ Vịt, vào Vườn Ươm…cũng phải qua lại hoài cái Cầu Dak Nông làm “Anh khách lạ, đi lên đi xuống. May mà có em. Ðời còn dễ thương”. Bọn chúng tôi chạy lấy thân về Bảo Lộc. Bảo Lộc rục rịch “bỏ hết” mà bay, mà chạy, mà đi về Phan Rang, về Nha Trang… Chúng tôi “bon chen” lắm được đi máy bay cuối cùng về theo. Cũng như Gia Nghĩa, Bảo Lộc,... Nha Trang có gì đâu, chưa gì cả? Việt Cộng còn ngủ, thì mình đã rủ nhau “dông” rồi. Về Nha Trang, tôi theo chiếc tàu của Ðại Tá Nguyễn Thanh Châu cũng có người gọi Phó Ðề Ðốc, vô Cát Lái vào một đêm “loạn” . Một đêm không còn chính quyền, không có chính quyền, súng đạn nổ tùm lum, người người hốt hoảng tìm đường chạy mà không biết chạy đi đâu! Còn tôi chạy tới chạy lui cũng vô tù “học tập cải tạo” chín năm ở Nam, ở Bắc. Khoảng gần giữa năm 1976, từ Trại An Dưỡng Biên Hòa, tôi bi đưa ra Yên Bái ở các Trại 4 rồi Trại 9, dưới ”Dốc Bá Thở” và Trại 12 trên kia. Những con sông quanh quẩn đây không thấy, nhưng những con suối nhỏ mà sâu tới ngực ở đây rất nhiều làm khổ tôi biết là bao nhiêu. Gió Mùa Ðông Bắc, trời lạnh thấu xương như dao khứa thịt, cứ phải lội xuống “nước đá” mà đi chặt nứa, chặt giang làm tranh lợp và phên dựng cho “láng trại” hay chặt cây to làm cột nhà... mấy lần tưởng đã xuống Âm Phủ tìm ông bà rồi. Thấy nước đã muốn chết toi, nói gì lội với bơi ở trỏng. Ông Trời còn ngán nữa là!. Hỏi ai quên đi được?. Con Sông Hồng ngày nhỏ học địa lý có bao giờ nghĩ, có lần mình sẽ thấy, chưa nói gì đi qua. Vậy mà Việt Cộng bắt tù chúng tôi đi qua đi lại Bến Phà Âu Lâu trong Thị Xã Yên Bái nầy đến bốn lần để tới lui bên kia là Cốc, Xã Việt Cường, Huyện Trấn Yên có mười mấy “Trại Tù Z”. Lần đầu tiên vào năm 1976 ngồi trên chiếc phà dài qua sông nước đục ngầu màu đất sét hồng mà qua bên kia, những chiếc Molotova đang chờ, đậu trước vài quán cốc vách nứa, mái tranh…xơ xác, điều hiu, lòng thấy buồn và sợ “chắc bỏ thây đâu đây rồi”. Một ông già khắc khổ, tuổi trạc 70 vẫn còn khoẻ và một trung niên chắc là con của ổng, đi tới đi lui điều khiển chiếc phà sắt cũ rich, chừng như thời Pháp để lại, sẽ đứt làm hai, làm ba hồi nào không hay. Hai cha con im lặng làm viẽc không nói với ai một lời, nhìn giòng sông chảy siết sóng nhấp nhô, lòng như có nỗi niềm gởi gấm. Làm sao chúng tôi quên được! Hè năm 1977 một số chúng tôi lại đùm túm gia tài của mẹ nghèo hơn người ăn mày trở qua sông, ngược lên Xã Dương Quỳ thuộc Huyện Văn Bàn, bên kia dãy Hoàng Liên Sơn mà tưởng chuyển trại vào Nam, vui hết sức. Ở đây chúng tôi sống gần nhưng “cách ly” với với người Tầy, người Mèo, người Mán, tắm trong những giòng nước suối chảy siết của khúc Sông Ðà to lớn, trong vắt, lững lờ.. và chết bởi “bị đánh đập”, muỗi vàng, đói khát, chướng khí…nhiều lắm. Một anh bạn tôi vì cái bao tử làm quẫn trí, dám lội qua bên kia Sông Ðà kiếm cái ăn. Ảnh bị “bộ đội” , loại “cháu ngoan Bác Hồ” bề hội đồng chết đi sống lại. Thuận, bây giờ mầy đang ở đâu, có nhớ không Dương Quỳ, Văn Bàn, Hoàng Liên Sơn? Nhớ cái cầu treo đong đưa tháng ngày buồn hiu, lủng lẳng trên Sông Ðà bắc qua “bản” Mán nằm lưng chừng đồi, kế bên cái Xã Dương Quỳ quạnh quẽ, chơ vơ? Nhớ những cái chày, cái cối giả gạo bằng nưóc suối, nghe nói nhiều, mới thấy lần đầu? Nhớ gạo nằm ì đó trong cối đâu thèm ai giữ, mà người tù đói như mầy như tao như anh em mình đã đi ngang qua, đã nhìn thấy, chưa ai "tọc mạch” bao giờ. Như trên đường rừng Yên Bái lên, có phải qua Văn Chấn, Lục Yên?, những người thanh niên nam, nữ bi “đầy” lên đây với mị danh “Thanh Niên Xung Phong” đã tung khăn, thuốc hút, xà bông...”tặng các chú đi đường”. Cảm động. Cám ơn. Có ai dám nhận đâu của những người cũng nghèo tận mạng, cũng khổ tận mạng...thua gì mình. Tàu bay, dấp cá, cải trời, rau rừng…cũng qua ngày mà!, phải không? Cuối 1977 ý định mượn “nước sông công tù” làm con đường chiến lược băng qua Lào không thành, Việt Cộng lùa chúng tôi leo lên lại “Cổng Trời” trở về Yên Bái. Trên đoạn đường mà người sĩ quan trẻ của cái gọi là Quân Ðội Nhân dân tên là Hồng cầm khúc cây quơ quơ sẳn sàng đánh, lùa chúng tôi như vịt…, tôi được tắm bên bờ giòng sông lớn lắm, nước chảy siết lắm ngoài kia đục màu hồng đất sét bazan, người ta bảo Sông Hồng. Tắm xong, thấy mình như dơ thêm cát bụi phong trần, rìn rịn, khó chịu…Ở Trại 13 gần Hang Dơi và Trại 14 của anh em Hạ Sĩ Quan trong vòng một tháng, lại đi nữa đến Trại Cải Tạo Trung Ương Số I Lào Cai, gần Phố Lưu và Trung Quốc. Ðây cũng là lần cuối cùng tôi không còn đi qua đi lại Bến Phà Âu Lâu trên Sông Hồng nữa. Giòng sông lúc nào cũng sóng cuộn sùng sục, dữ dằn, đục ngầu…màu hồng mà bên trên, Thị Xã Yên Bái vẫn bình yên, thanh vắng, nghèo xơ xác…Tôi kịp đọc được một tấm quảng cáo nhỏ treo trước một căn nhà cũng nhỏ xíu, cũ kỹ, nghèo nàn “Ở đây có cúp tóc, rượm tóc” và kế bên một người đàn bà đang “sửa xe đạp” dựng miếng carton cũ, bung viền, nguệch ngoac mấy chữ “thay phanh, thay lốp, vá săm” Mới hơn một năm mà thấy bác tài công của chiếc phà giờ như lưng còng nhiều hơn, tóc trắng quá trắng, đã yếu lắm rồi. Ðứa con của bác xanh xao còm cõi như mới qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, thiếu “bồi dưỡng”. Họ vẫn im ĩm, ít nói. Ông cụ kéo một hơi điếu cầy, nhìn xa vắng như có nỗi buồn không bao giờ nói ra. Người ta nói, bác đã có ít nhất 50 năm làm người lái phà ngang ở đây. Quen cũng nhiều. Lạ cũng nhiều. Quen bác biết. Lạ, bác không biết người ta qua sông có trở lại sông không! Ngồi kế bên bác, bác nói nhỏ đủ nghe “tôi đưa người ở đây cũng được phân nửa một trăm năm rồi, những người tù đã qua sông, không thấy ai trở về. Các bác trở về, các bác còn sống”. Ông già đâu phải câm . Ông già đâu phải không có lòng. Ông già bị bắt câm. Ðến cuối năm 1978, cảnh giác lời Ðặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học”, chúng tôi lại bị lùa xuống K.5 rồi K.1 Vĩnh Phúc. Ðúng, ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn Thổ phỉ Bắc Kinh đã dạy cho Việt Nam một bài học thiệt. Anh em Xã Hội Chủ Nghĩa cũng đánh nhau, đánh nhau theo Chủ Nghĩa Xã Hội? Ở đây ngán nhất là gánh nước, khiêng nước leo đồi tưới trà, người ta gọi là chè. Thử tưởng tượng, những đồi trà liên cư liên địa bao la cở nào, cao ngất ngất cở nào mà một Ðội Sản Xuất vài chục móng tưới với tắm. Chưa nói đất sét quến cứng chưn và trơn trợt. Thật là “Công đâu công uổng công thừa. Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan? Công đâu công uổng công oan. Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa?” Trời ngoài Bắc lạnh thì rất lạnh chết trâu bò mà nóng thì cũng thật là nóng chết người ta. “Lao động là vinh quang” mà không đi tắm thì, con người “Tù Học Tập Cải Tạo” thúi ình. Chúng tôi phải tắm nước suối dưới giòng của trâu, bò, heo, dê, gà, vịt…trong Ðội Chăn nuôi đái, ĩa ra. Bần tiện, bẩn thỉu, nghèo hèn…thứ tù chính trị, Việt Cộng muốn hành hạ cho hả.dạ? Kỹ niệm đâu nhất thiết không buồn, không tủi, không nhục. Hỏi “Tù Học Tập Cải Tạo” nào không có rất nhiều kỹ niệm “trời không dung, đất không tha” mà bọn con cháu Hồ Chí Minh đủ mánh khóe đầy đọa người ta? Cuối năm 1980, tôi bị đưa vào Trại Thanh Lâm, phía trong Bãi Trành thuộc Tỉnh Thanh Hóa. Người ta định biến chúng tôi thành những “công nhân tù”, định cư mãi mãi ở đây rừng với rừng, sống nghề trồng và chế biến trà. Họ lập “Bè Lũ Năm Người”, đứng đầu là cụ Trung Tướng Nguyễn Hữu Có để vận động, xây dựng, điều hành. Chúng tôi gọi hỗn Bè Lũ Năm Người vừa có tính thời sự vừa có tính mỉa mai mà báo chí Việt Cộng thời đó a dua Tàu, gọi “Bè Lũ Bốn Người”: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị nhóm Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh bắt tội chống Ðảng, ra trước vành móng ngựa năm 1981. Ðây là nơi “thâm sơn cùng cốc”, người ta sống với rừng thiêng nước độc. Người ta là Thái Trắng, Thái Ðen đã quen với nương rẫy hoang dã, khoai, sắn…đời cằn cỗi, không có gì và không biết gì, sống thong dong tháng ngày tự tại!. Một con suối bao quanh trại, có khúc rộng và sâu hơn con sông nhỏ, “Tù Z” chúng tôi ngày nào cũng phải đi qua, cũng phải tắm, trừ ngày Ðông tháng giá, mọi vật còn phải run rẩy trốn chui trốn nhũi, huống gì những tên “Tù Tập Trung Cải Tạo” đói như ma! Con suối nầy chắc cũng có tên nhưng tôi không biết là gì, có một điều chắc chắn là tháng ngày gần gũi với nó, nó đã nhổ trụi lông chân những thằng đàn ông “công nhân tù” ốm tong ốm teo lòi hai ống quyển là hai khúc tre già khẳng khiu. Người ta bảo rằng, nước con suối nầy độc vì lá cây, rể cây, thân cây gỗ liêm và vì chảy qua nhiều đồi núi đá vôi quá. Trưa Hè, gió Lào thốc vào, những luồng hơi nóng phả vào người rát cháy da thịt. Mới ngâm người xuống đó với tất cả áo quần ướt sùng sũng, lên bờ vài phút đã khô rang, nóng rang. Dẫu sao, con suối vô danh tiểu tốt nầy cũng là điểm hẹn những “quan hệ linh tinh”, những “cải thiện linh tinh” giữa “Tù Cải Tạo” và “Tù Biệt Kích”; Giữa Tù Việt Nam Cộng Hòa và Tù Trung Hoa Dân Quốc của Ðài Loan. Họ trao đổi với nhau những món thật nhỏ nhoi tầm thường, chỉ một hai lon gạo, một hai lon nếp, vài cái “bánh lương khô” Trung Quốc, một nhúm thuốc lào, cái quần cái áo tù, đổi lấy cái ăn…Hoặc là, những anh Biệt Kích bị bắt từ đầu thập niên 1960 nầy, nay là tù “diện rộng” kể cho chúng tôi những câu chuyện tếu, những tin tức tầm phào trật hơn trúng, nghe cho vui mà “nín thở qua sông”. Hạ tuần tháng 4 năm 1982, một số chúng tôi chuyển trại vào Nam, trên chuyến xe lửa, thời bấy giờ người ta gọi là “Tàu Thống Nhất 6” từ Thanh Hóa về Gia Rai, rồi xe hơi vào Z.30C Hàm Tân. Vào Nam, ai ai cũng biết là, sự chết bớt được phân nửa và nghĩ gặp được người thân là vui lắm. Chúng tôi qua một con suối, đá nhiều hơn nước bằng một cây cầu treo eo sèo, ọp ẹp để vào K.2 sâu trong rừng Núi Mây Tào, nhìn chếch bên kia là Z.30D, cách một ngọn núi nhỏ. Về đây, mọi thứ với tôi như không có gì xa lạ lắm. Hàm Tân có khác gì quê tôi Phan Thiết. Có điều, tôi đang ở tù. Nhớ trước 1975, từ khúc nầy trở ra là “Rừng Lá”, mấy anh du kích ngày làm người dân hiền lành, tối ra “đấp mô”, “chôn mìn” giết người, làm mệt Nghĩa Quân và Ðịa Phương Quân của ta biết bao nhiêu. Tháng 4 năm 1971, tôi cả gan mang đầu lính Trường Bộ Binh Thủ Ðức theo xe đò Hiệp Thành về Phan Thiết mừng đứa con đầu ra đời. Xe bị chận, hai bên đường “mấy ảnh” phục kích, lăm lăm súng, một anh lên xe tuyên truyền “quân ta toàn thắng, Mỹ Nguỵ thua phải ký Hiệp Ðịnh Paris…”. May, đang chiến dịch tuyên truyền, lệnh không bắt ai, không thì tôi đã tù Việt Cộng từ bốn năm trước “Ngày Giải Phóng?” rồi. Một con suối rừng trong vắt, khuất trong tàn lá cây buông, chảy dọc theo những bãi cát nhỏ và những mõm đá đen, trơn tru bóng láng, lúc nào cũng lành lạnh như trời kề Ðông. Dù gì dù, “Suối Trại Tù”, chúng tôi đặt tên, cũng đủ thỏa thuê cho những người tù chúng tôi ở tù mà không biết ngày về sau một ngày lao động trời ơi đất hởi. Ngoài Bắc, mái nhà lợp, vách nhà dựng…thường bện bằng cây nứa đặp dập. Ở đây thì không, tất cả là cây buông. Cây buông có phải cùng loại với chà là, dừa nước?. Người ta dùng lá buông để lợp nhà, dựng phên, làm quạt, đắp nón, bện dây, sóng lá…và hình như trái buông dùng để giết cá mà bắt, gọi là “suốt cá”. Có những chiều, tôi thấy lềnh bềnh trôi đầy trái buông đập nát nhớt nhớt màu xanh xanh với một ít xác cá lớn nhỏ chết từ hồi nào. Chắc là những cư dân từ các xứ Quảng miền Trung hay người thiểu số Gia Rai lập nghiệp ở đây đi kiếm cái ăn? Một hôm mà bây giờ nhắc tới, tôi còn nhớ rành rành. Trong một buổi chiều, chắc là mùa Ðông, bởi vì trời lạnh lắm và nước cũng lạnh lắm, anh Minh Cận và tôi thách nhau lặn thi dài hơi ở dưới nước. Thiếu đuờng bể phổi hộc máu, tôi ráng chịu đựng ngộp thở mà trồi lên sau. Tôi đã thắng tính cao ngạo của ảnh “không ai lặn lâu hơn tôi”. Anh Minh, Thiếu Tá, không biết làm “cái thá gì” ở Bộ Tư Lệnh, sát bên Phi Trường Tân Sơn Nhất, nhỏ con, lanh lợi, háu thằng…mà đua cái gì cũng thua người ta, tức lắm. Không nhớ ảnh ra tù hồi nào và không biết bây giờ ở đâu, chắc đã qua Mỹ từ HO.1, HO.2 gì rồi, vì ảnh lanh như thỏ, lẹ như sóc. Ðầu tháng 4 năm 1984, được đọc tên trả tự do, tôi bàng hoàng, sửng sốt, không cảm giác…rằng mình được phóng thích. Trại giữ lại cả 3 tuần lễ nữa để vắt cho hết sức lao động. Oái oăm biết nói làm sao, một người bạn tôi ở Thanh Lâm cũng bị giam tù thêm như vậy mà bị chết oan uổng. Chờ đã nhiều ngày. Chờ thêm sáng ngày mai được về. Ðêm ngủ trên võng, chết queo. Ảnh không bao giờ về. Bạn Lê Thành Nhiên có đúng không, bây giờ mồ xiêu mả lạc ở ngoài rừng núi Thanh Hóa đìu hiu hay được cải táng về Kiến Hòa quê anh rồi phải không?. Ngậm ngùi hết sức!. Cái sự gì chờ đợi thấy cũng lâu lắc lâu lơ, nhất là chờ đợi ra khỏi tù. Trong thời gian nầy, người ta bắt chúng tôi đi rừng chặt cây làm cột nhà hay chặt lá buông nói là cho trại bán kiếm tiền để “cải thiện” hay “bồi dưỡng” cho anh em ở lại, thực ra, “các cha nội” ăn hối lộ. Nhiều khi rảnh, những anh em sắp về của chúng tôi ngâm mình xuống suối mò “dòm”. Những con dòm ở đây đen, dầy, lớn, ngon. Làm sao mà quên những khi bị bầy ong vò vẽ đuổi, bị rắn rượt, bi người lún bùn tới ngực mà có bắt đuợc con nào đâu. Cười huề!. Ngày 21 tháng 4 năm 1984, nhận “Giấy Ra Trại” với mấy chục đồng, tôi “dzọt” lẹ. Không “dzọt” lẹ sao được, lỡ nó kêu lại thì sao!? Cũng đã hai năm với Mây Tào, Rừng Lá, Suối Trại Tù…cộng thêm vào đời tù dài ra là 8 năm, 9 tháng 25 ngày. “Hồ hởi phấn khởi” đi “học tập cải tạo” khi mới 33, bây giờ đã 42. Ðáng đời ngu không nghe Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói: “đừng nghe những gì Cộng Sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”. Nhưng nghĩ cho cùng, không làm vậy thì, làm sao bây giờ, làm gì bây giờ!? Về lai quê nhà, mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đều xa lạ. Những người quen xưa cũ nhìn mình có vẻ tọc mạch, soi mói. Những người lạ từ đâu đến khinh khi mình kẻ “công dân hạng hai”. Bà con thân thuộc tỏ vẻ e ngại, thương hại. Cầu Quan bắc qua sông Mường Mán ngày đó ăm ắp kỹ niệm ngọt ngào, chan chứa, đẹp biết chừng nào!. Bây giờ đầu nón cối, chân đi dép râu, mặt che khăn, giọng Trung sệt Thanh Nghệ đang phá giang sơn gấm vóc của tôi. Trên nóc bồn nước, chúng tôi thường gọi là Château d’eau có những ngày xưa hẹn hò đêm vườn bông, đã cắm Cờ Ðỏ Sao Vàng. Tan hoang, tàn mạt. Nhớ hồi đó, có đêm nào không với bạn với bè qua lại trên cầu mà tâm sự phù phiếm mà nhìn giòng sông mơ ước tương lai mơ hồ…Nhưng đã tám năm rồi trở lại đây, ở lại đây không nhớ có mấy lần bước lên Cầu Quan, qua Sông Mường Mán, nhìn Château d’eau!?. Ngày 10 tháng 11 năm 1992 theo HO.14, gia đình tôi rời Phan Thiết vào Sài Gòn để qua Mỹ sau đó 8 ngày. Ba tôi ôm con gái út tôi mà khóc. Con gái út tôi cũng khóc, không chịu đi, “con ở với nội à”. Tôi quây mặt hướng khác mà nước mắt chảy ròng ròng. Tôi ra đi mà bụng dạ không muốn rời. Ba tôi đó, anh em con cháu tôi đó, quê hương tôi đó... nhưng phải đi. Bây giờ ở đây Thành Phố Kansas của Missouri đã gần 18 năm dài, hỏi có nhớ quê hương không, nhớ chớ, nhớ nhiều lắm. Nhớ người thân. Nhớ Việt nam. Nhớ những con sông, những con suối một đời hồi đó đã đi qua, đã để lại biết bao kỹ niệm buồn cũng thiệt là buồn mà vui cũng thiệt là vui, sao mà quên đi được? Thời gian cũng đủ dài cho một đời người xa xứ cảm nhận nỗi thấm thía tha hương và ngùi ngùi cõi lòng thưong nhớ tháng ngày xưa cũ. Con Sông Missouri như vô tình vô cảm lững lờ năm tháng. Mùa Hè qua 9 North cũng là đường Burlington trên chiếc cầu thấp, mùi khí Métan CH4 hay Carbonic C02 …thổi vào mũi, hôi không chịu nổi. Mùa Ðông nước lạnh đóng đá, trắng bệch giòng, sông như ngủ vùi, không nhúc nhích. Có phải từ khi hợp lưu thành sông nhánh của Mississippi dài thật là dài 3.767 cây số mà mệt đừ? Sông nào ở đâu trên nước Mỹ đẹp lắm nhưng không ở đây con sông nầy. Ngày nào tôi không qua lại 2 lần Con Sông Missouri vì đi làm hay việc nầy việc nọ, hoặc là trên Cầu Paseo đường I-29 và I-35, trên Cầu Burlington nói ở trên, hoặc là trên Cầu Chouteau Trafficway, trên cầu I- 435 hay thỉnh thoảng cũng trên Cầu Broadway của Highway 169…nhưng có thấy đâu chờn vờn khung trời đáng thương đáng nhớ!? Xe cộ kìn kịt ngược xuôi, tâm trí đâu mà mơ với mộng, nhớ với thưong. Ngày xưa học Quốc Văn Giáo Khoa Thư, ai không nhớ câu “không đâu đẹp bằng quê hương”. Và tôi thì, không con sông nào đep bằng Con Sông Mường Mán nơi quê Phan Thiết của mình. Nó có những buổi cặp kè đi học. Nó có những chiều hen hò dạo chơi…Và nó có bay bay tà áo trắng nữ sinh qua cầu. Tôi có nhiều kỹ niệm. Bây giờ cây Cầu Chouteau Trafficway mới làm cách đây gần chục năm có vẻ thoáng mát nhưng vắng lạnh, bên trái là Casino Harrah’s đơn chiếc, đêm về nhấp nháy ánh đèn như nhắc nhở ai ham thú đỏ đen. Những đêm Ðông trời lạnh thật là lạnh, qua Cầu I- 435 mà về, lòng bổng thấy cô đơn chi lạ, buồn chi lạ. Chung quanh đâu thấy sự đồng cảm!? Hồi đó làm đêm là phục kích. Bây giờ làm đêm như ma chết lang thang kiếm ăn. Rồi cây cầu Paseo làm từ 1954, mới sửa lại năm 2005, làm sao tôi không thường qua lại bên North, Phi trường, …Có gì? Flamingo Casino sát bên phải, nằm dọc theo bờ Sông Missouri, đầu năm 2001 đã đổi tên thành Isle of Capri, nhỏ mà đẹp đẹp một chút. Nếu có kỹ niệm, cũng là kỹ niệm trác táng, xô bồ, dậm dật…của người ta. Ngoái lại bên trái, khu thương mại đang rục rịch làm dẫu phía ngoài bờ sông có thơ mộng một chút hàng điện thẳng tắp, chỉ hợp cho người Mỹ hơn người Việt rất sợ không bình yên. Ngoài ba cây cầu bắc qua Sông Missouri thường đi ở trên, tôi cũng thỉnh thoảng với vợ đi Highway I-169 qua cầu Broadway hoặc xuống Riverside hoặc lên Wal-Mart, Best Buy.... Cầu nào thì cũng trên đường xe cộ đầy, không người và con sông dưới kia như lười biếng không muốn làm bạn với ai. Chưa bao giờ tôi thấy được một chiếc gì như ghe, xuồng, cano, hors-board,... còn nói gì con người bơi với lội cho vui. Lạnh lùng quá, khô khan quá, kỹ niệm đâu đào ra, kỹ niệm đâu để lại? Chạnh lòng, đọc hai câu chót bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu “Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Châm điếu thuốc Marlboro đỏ, hít một hơi dài cho ấm. Trời có khi tuyết đang rơi, có khi mưa tối trời, cũng có khi trong xanh vằng vặt...tại sao tôi chưa bao giờ thấy trăng sáng!?

Ngồi nghĩ lại, không phải vu oan giá họa cho ai, mà đúng vậy. Từ khi bị mấy anh “bộ đội bác hồ” vào Nam vơ vét của cải người ta mà gọi là “giải phóng”, cái sự đời nó đão điên hết sức. Tôi thật sự không tìm đâu ra cái thứ gì để lại mà gọi là kỹ niệm đẹp như những năm tháng trước đó đuợc. Nếu có chăng, chỉ là những hồi ức buồn hơn vui một lúc thời gian nào đó như những con sông, những con suối kể ở trên tôi đã buộc phải lặn lội sống với nỗi đau cuộc đời. Nó có là kỹ niệm?. Nếu là, thì những kỹ niệm buồn, tủi, nhục...không ai muốn có, không ai muốn để dành. “Một năm bị quản chế” ở Sài Gòn, hằng tuần phải đem sổ báo cáo trình Công An Phường và hằng ngày chịu sự giám sát của anh “Công An Khu Vực” và bà “Trưởng Khu Phố”, mình chẳng còn làm ăn gì được và chẳng có gì làm ăn. Không biết làm gì, thỉnh thoàng ngược đường Minh Mạng bấy giờ đổi là Ngô Gia Tự băng qua Ngả Sáu, tới một khu nhà bên trên vòng thành được rào bằng kẽm gai, tôi tần ngần đứng dòm ngôi trường cũ của mình thuở nào tưởng là xa lắc xa lơ lắm. Trường Trung Học Chu Văn An của mình đó sao, bây giờ là Trường Huấn Nghệ Phổ Thông Lao Ðộng. Xúc động lẫn bị xúc phạm không làm sao tránh khỏi, không nói nên lời. Nhìn qua bên kia, ngôi nhà thờ sáng lễ, chiều lễ đông người hồi đó, nay im lìm lìm, lòng sao không bùi ngùi. Ðổi đời. Ðổi đời thật. Thẳng tới Ngô Quyền, cô gái Tàu bán nước rau má bên hông trường, má đỏ hây hây những lần bị ghẹo “nị hữu len” không còn nữa. Dọc xuống Trần Hoàng Quân đã đổi tên Nguyễn Chí Thanh, Quán Chú Chệt bên kia đường mà những thằng tôi, Sử, Ý, Thắng thường chun lỗ tường “cúp cu” ra uống cà phê, hút thuốc lá đã đóng cửa, then cài tự hối nào rồi. Lần nào nhớ cố nhân tình cũ, tàng tàng đạp chiếc xe đạp đến Bến Bạch Ðằng đi tìm. Luyện Loan đi từ thuở đó không về. Con Sông Sài Gòn không giống như xưa. Trên bờ dưới nước người ta cắm cờ Việt Cộng. Ông Tàu già bán bò bía “mại dzô mại dzô”, nghe nói đã về Trung Quốc trong kỳ nạn kiều. Chung quanh đây toàn Công An Nhân Dân xứ Nghệ và Dân Bắc Kỳ 75 đội nón cối đi dép râu, lạ hoắc lạ huơ. Không còn gì. Hết rồi. Tôi hát lại bài xưa Chuyện Hẹn Hò của Trần Thiện Thanh “Chắc tại chiều hôm nay không còn nắng, để thêm hồng đôi má thắm giai nhân. Chắc tại mưa nơi vùng xa tít đó, sợ mưa lạc đường làm ướt áo em anh. Hay tại hôm kia em gần khóc, anh lại vụng về quên lau mắt thu mưa. Thôi, em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé. Ðể anh buồn như anh chàng làm thơ”. Sau những lần buồn vô cùng, không chút nào vui đó, tôi đã không bao giờ trở lại cũng đã hai mươi sáu năm ròng. Con Sông Sài Gòn theo giòng dĩ vãng trôi vào quá khứ u hoài kỹ niệm!? Hôm nay, Thành Phố Kansas dù đã giữa Tháng Ba, cơn bão tuyết trể tràng từ đâu kéo về cũng dữ dằn như sự hồi sức cuối cùng của những người lớn tuổi, một lần nữa rồi thôi. Con Sông Missouri gần đây chắc cũng không ăn thua gì, nó chẳng coi ra gì, cứ lầm lì lủi thủi một cách chậm chạp về nơi chốn xa...có khi nó không biết là về đâu!?./.

Nguyễn Thừa Bình
Xuân 2010, Canh Dần

 


VĂN CHƯƠNG

Cây viết Bất Khuất

Thuyền đời
Highway of Heroes
Nắng ấm quê hương
Truyện dài Bất Khuất
Thuyền đời ơi !
Những thằng chúng tôi
Bài thơ trên đồi Bác sĩ Tín
Viên đạn vang rền
Chuyện tình trái ngang
Khối diễn hành
Bãi tập
Lễ mãn khóa
Một Đời Bất Khuất
Kỷ niệm Quân Trường - Về phép
Kỷ niệm Quân Trường - Cúp phép
Hồi tưởng chiến trường 1062 Thượng Đức
Dọc đường gió bụi
Tình Bất Khuất
Ngày xưa thân ái
Tôi đi lính
Bất Khuất
Quan Âm Tây Du Hí truyện
Làm trong sáng tiềng Việt
Hạ cờ tây
Thù dai
Kỷ niệm khó quên
Trận cuối trong đời lính của tôi
Khúc hát Quân Hành
Một nỗi đau
Thủ Đức - Tuần huấn nhục
Tâm thư của Cố Thiếu Úy Trần Văn Quí
Trận Ô-Căm
Một lần vĩnh biệt
Một lần đi
Chuyến đi cuối năm
Nhớ về mái trường xưa
Phạm Xuân Tịnh - Một cuộc đời
Những ngày tháng không quên
Tự do ơi, tự do!
Vì hai chữ Tự Do
Nghìn trùng cách biệt
Thầy Chín
Để nhớ để quên


Người lính VNCH

Soái hạm HQ5 và trận hải chiến Hoàng Sa
Ngày 19-01 Kỷ Niệm ngày Hoàng Sa nhuộm máu
Đi vào lòng địch: Câu chuyện thật của người Nhái HQ VNCH
Người bạn 101
Năm tháng tuổi thơ thuở nào
Lực lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ Hải Quân VNCH
Đối diện tử thần
Một thời để yêu
Phi Công thời chiến
Người con dâu nước Mỹ
Tưởng bỏ anh em
Đành bỏ anh em
Mai
Cuộc tuyệt thực ở trại Cổng Trời
Một đời binh nghiệp hai màu Mũ
Biệt Hải trên vùng biển bão tố
Chuyện người lính trinh sát
Nhan sắc cư tang
Niềm vuì quân trường
Sự trịch thượng
Hộ tống hạm HQ11 & Những ngày biến loạn tháng Tư đen
Bạn tôi, những SVSQ khóa 2 Học Viện CSQG
Cuộc sống của người lính chiến ĐPQ và NQ
Sông Mao, Ngày tháng cũ
Tự truyện của một phi công

Chập chùng tủi nhục
Tâm sự người lính

Nén hương tưởng nhớ bạn Dương Quang Ngọc
Một mai giã từ vũ khí
Mối tình đầu
Tình lính
Đời lính
Tàn cuộc hoa này
Nó và Tôi
Viên ngọc nát
Những năm dài qua đi... hội ngộ
Ngày Quân Lực : Lời thú tội
Nhớ An Lộc - Chuyện người Thương Binh bị bỏ quên
Nghĩ về người vợ lính
Chuyện tình với chàng cựu Không Quân Y 2 K
“Hát Ô” qua Mỹ
Anh hùng tử - Khí hùng bất tử
Thằng lính bạc tình
Cuối đường
Đó đây trên quê hương
Here and There In The Homeland
Người còn nhớ hay người đã quên
Những ngày tù chung với Ông Đạo Dừa
Cây cầu biên giới
Khu trục bọc thây
Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Viết Thanh Dưới Cái Nhìn Của Người Ngoại Quốc

Đêm liêu trai
BÌNH-TUY, những ngày cuối cùng...
Tình Anh Lính Chiến Biệt Động
Trận chiến đẫm máu của HQ/VNCH: Trận Ba Rài
Mặt trận Miền Đông vẫn yên tĩnh
Charlie ngày ấy và Charlie bây giờ
Màu cờ và sắc áo
Tù binh và hòa bình
Tây Ninh, chút còn lại trong lòng một người lính
Hoài niệm
Tâm tư và cuộc sống quả phụ
Thượng Tọa Thích Quang Long
4 ngôi mộ lính nhảy dù Vị Quốc Vong Thân
Hai người bạn
Đôi dòng về “Cỏ Thu Hoàng thị”
Cái chân gỗ
Một H.O. muộn màng
Vài hàng gởi anh Trìu mến
Thiên bi hùng ca QLVNCH
Để nhớ lại những ngày Mùa Hè Bão Lửa
Trận chiến cô đơn
Biệt đội 817 - LĐ81 BCD
Trận đánh cuối cùng của ĐPQ...
Qua những trại tù cộng sản...
Sông Mao, phi vụ ngày 30 Tết
Nước mắt mẹ già
Viên đạn cuối cùng
Điếm Cỏ Cầu Sương
Người lính ấy của tôi...
Khóc một dòng sông
Cái muỗng
Tử thủ
Những tiếng hát bừng sáng A 20
Thiên đường đỏ
Khoác áo chiến y
Chuyện tình của một Phi Công
Hai vì sao lạc
Tôi thương nhớ vợ tôi
Bông hồng tạ ơn
Viết về Lê Hữu Lượng
Chinh nhân và người tình
Tôi vào học viện Cảnh Sát Quốc Gia
Cảm nghĩ của một người Lính về Ngày Quân Lực 19/6
Nhiệm vụ
Cô gái Bình Long
Những ngày hồi đó
Ngày QL19/06 - Người Lính VNCH ... Tôi nợ Anh ..
Nhớ đến Biệt Ðội Thiên Nga
Viết về ngày QL 19/6/2011
Người không nhận tội  
Chào cô ... em gái Biệt Cách Dù
Chuyện tình chị Hạ và anh Nuôi
Huấn luyện Sĩ Quan tại Hoa Kỳ
Ở cuối 2 con đường
Đêm Cao Miên
Đồn Dak Seang
Giải toả căn cứ hỏa lực 6  Tân Cảnh
Quan Âm chí lộ
Rải tro theo gió
Một chuyến đi toán phạt
Chinh chiến điêu linh
Trại gia binh
Viết về người lính Địa Phương Quân
Người không nhận tội
Tháng 4 xót xa
Tìm lại thương đau
Nụ cười người tử tội
Ngày về
Người lính miền Nam
Phan Rang nỗi hờn di tản
Charlie, ngọn đồi quyết tử
Quốc lộ 20 - hành lang của tử thần
Gãy súng
Chuyện người Nghĩa Quân
Chuyện Người Nghĩa Quân Thờ Hình Của Chính Mình
Đại Bàng Gảy Cánh Tháng Tư
Trại gia binh
Viết về người lính Địa Phương Quân
Quốc lộ 20 - hành lang của tử thần
Phnom Penh, ngày ấy còn đâu?
Vinh danh Tướng Đỗ Cao Trí
Trung Tá Nguyễn Đức Xích "NGƯỜI TÙ BẤT KHUẤT"
Ngọn đồi cuối cùng
Nhớ hay Quên
Người lính miền Nam
Charlie, ngọn đồi quyết tử
Chú Quế
Pleiku nắng bụi mưa bùn
Mê thần tượng
Cơm cháy quân trường
Anh trai Biên Hoà, em gái Cà Mau
Giọt nước mắt Đêm Giao Thừa ...!
Kiếp người... đời lính...
Câu chuyện tù của ĐT Phi Công HK...
Dòng sông cỏ mục
Bên những bờ rừng
Đêm thánh vô cùng
Người tù kiệt xuất
KBC Một thời để nhớ
TPB Những mảnh đời bất hạnh
Mùa Đông năm ấy
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa qua những tình khúc bất tử của Một Thời Chinh Chiến
Phi vụ cuối cùng
Những người tù cuối cùng
Lửa máu hận thù
Người Lính VNCH trong kho tàng âm nhạc Việt Nam
Mẹ VN ơi - Chúng con vẫn còn đây
Khi người ta gọi bác của tôi, ba tôi và anh tôi là 'giặc' !
Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Chiếc áo phong sương tình anh nặng
Người lính VNCH trong nhạc sỉ Trần Thiện Thanh
Đêm hỗn mang
Ngỡ ngàng đời chiến sĩ
Chuyện nhớ trong đời
Để ghi nhớ tháng 4 đen
Nỗi đau thời chiến
Cọp rằn Chương Thiện
Quà cho con trong tù
Những giòng sông lịch sử đời người
Một người đi
Trận cuối 2
KBC 4100 & Tết Mậu Thân
Rừng khóc giữa mùa xuân
Lá thư tình của người lính VNCH
Cô con gái quá giang trong đêm mồng một Tết
Lon Guigoz hành trang người tù...
Con chó Vện và người tù cải tạo
Một lần toan tính...
Tấm thẻ bài
3 người chiến binh "homeless"...
Trôi theo vận nước
Trận cuối
Chiến sĩ Kha Tư Giáo
Em không nhìn được xác chàng
Chuyện buồn người vợ tù
Người Việt của tôi - Quận Dĩ An
Sao hôm, sao mai
Những lá thư tình
May mà có em
Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ
May mà có em đời còn dễ thương
Gói quà đầu năm
Cây Mai rừng của người Lính Trận
Cánh chim Thần Tượng
Ba dòng nước mắt
Những xác chết trên mãnh đất chữ "S"
Thân phận người lính gãy súng
Chuyện vượt ngục ở trại Gia Trung ...
Những mảnh đời dang dở - phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần cuối
Mưa trên Poncho
Người ở lại Saravan
Nhớ hay quên kỷ niệm thời chinh chiến
Vược ngục
Chuyện tình khoai lang
Tâm tình người lính VNCH tỵ nạn ở Thái Lan
Hồi tưởng ngày Quân Lực 19-6-73
Vinh danh người lính VNCH

Linh tinh

Dị mộng
Nhà thơ Hàn Mặc Tử
Tập thơ "đôi hồ" và một thiên diễm tình
Về Quê
Ông già bơi rác
Nhớ thời trường cũ Chu Văn An
Người chú họ của tôi
Tôi bị bắt
Nhớ lắm… những mùa Thu
Những chuyện trời ơi !
Người đồng hương
Bên đời hiu quạnh
Việt Cộng con
Phượng hồng vào Hạ
Sức mạnh của cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại
Giai thoại văn chương
Kỷ niệm nỗi trôi cùng trí nhớ
Bà xã đai-ét
Chuyện kể: Một buổi trên đường vượt biển
Những vần thơ chui
Đi tìm Jackpot
Cây cầu biên giới
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Như những giọt buồn
Một cơn đau tim….và một lần phẫu thuật
Đứa con dị chủng
Bài thơ dang dở
Thất tình
Dấu "Hỏi Ngã" trong văn chương Việt Nam
Ngày xưa thân ái...
Gió bụi một thời
Người sợ bóng
Hoàng hôn trên núi Tây
Ý yêu đương
Đêm qua sân trước nở cành mai
Vệt nắng cuối chiều
Đừng yêu người làm thơ
Tết Nguyên Đán
Đừng yêu người làm thơ
Như những vần mây
Đám cưới
Hạnh phúc muộn màng đêm Giáng Sinh
Tình... tiếc
Giáng Sinh năm nào
Ván cờ ma quỷ
Văn thơ trữ tình
Mùa Thu qua thi ca  
Phụ nữ Việt Nam qua Ca Dao
Tháng năm ngoảnh lại
Thu xưa
Thu có sầu chăng sáng nay!
Cơn mưa chiều nay
Xuôi dòng sông Hương
Nỗi niềm cố cựu
Thiện và Ác
Tóc May sợi vắn sợi dài
Tâm sự tuổi già
Xóm biển
Đi tìm tâm linh
Mấy đoạn đường đời
Tản mạn những giao thoại văn chương
Xin hãy giúp tôi
Con còn nợ Ba
Nhăm nhi bầu bạn
Một thời để nhớ
Người quét chợ
Lời tỏ tình
Bạn cũ năm mươi năm
Về lại cố hương  
Đường đi không đến
Xương trắng Trường Sơn
Về lại cố hương
Thoáng xưa
Cánh Hoa Ngọc Lan
Bước không qua số phận
Đọc thơ Trạch Gầm
Con Gà nòi
Con Mèo hay con Thỏ?
Đời vẫn đáng sống
Tết làng tôi
Bầu Bí một giàn
Nghỉ hè ở Mallorca
Chiếc xích lô chở mùa xuân
Em đi để lại con đường
Một thời con gái
Bố tôi và người tù Nguyễn Chí Thiện
Trường ca trang sử Mẹ....
Nỗi đau bẽ bàng
Khi con đường không lối thoát
Những bài ca một thời cuộc đời
Tiếng chuông ái tình
Những con cào cào xanh
Nếu chỉ còn một ngày để sống
Bố tôi
Thiêng Liêng Như Những Linh Hồn
Giấc mộng dài
Duyên số trời định
49 Ngày với em
Bài ca của người du tử
Tấm vạc giường
Cố hương, 35 năm sau
Vượt biển một mình
Hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh
Những Tết năm xưa ở Phan Thiết
Làm thinh
Màu tím trong thơ
Lệ Mừng trên cánh Đồng Chiêm
Thằng cháu nội đích tôn
Chị Cả Bống
Làm rể Ninh Hòa
Trời đất bao la
Nỗi buồn mùa Thu
Duyên Nam Bắc
Đà-lạt trời mưa
Xót xa
Tiểu thơ
Đôi mắt
Giọt mưa trên tóc
Quê tôi, ngày bé thơ lớn lên
Mùa thu cuộc tình
Cây sầu riêng sau vườn cũ
Tản mạn - Về những người bạn
Nhìn những mùa xuân đi...
Quê hương ruồng bỏ
Ba tôi và tôi
Vượt thoát
Made in VietNam
Giọt nước mắt
Ngày vô vị
Khóc lặng thinh
Đời còn vui vì có chút tòm tem
Đôi mắt Phượng
Ngưòi bán liêm sỉ
Bài ca vọng cổ
Tình già
Buổi chiều ở Thị trấn Sông-Pha
Saigon ngày ấy
Phàm phu tục tử
Thăm quê
Dấu tích ân tình
Địch thủ
Tâm
USS Midway - Ông bạn già năm xưa - English
Từ Mỹ, kể chuyện Mỹ Tho
Vài vòng Thơ, Rượu và Tết
Mùa Xuân uống rượu
Tình người
Hồi ký của một người Hà Nội
Tình nghĩa, nghĩa tình
Đôi đũa
Giòng đời... và hồi âm giòng đời...
Không cho phép mình quên
Thảm sát trên đảo Trường Sa
Em tôi
12 bến nước
Chào Mẹ
Cháo tóc
Những người không đất đứng
Vợ hiền
Theo ngọn mây Tần
Tình ngây dại